Việt Nam thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn

Theo báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey, Việt nam nằm trong nhóm 11 nền kinh tế khác có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, trong khoảng thời gian ngắn hơn, đạt mức 5% mỗi năm trong 20 năm từ 1996-2016.
Sản xuất linh phụ kiện nhựa tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Seiyo Việt Nam, vốn đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) tại Quế Võ, Bắc Ninh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, sáng 12/9, tại Hà Nội, Viện Toàn cầu McKinsey (Tập đoàn tư vấn chiến lược kinh doanh quốc tế McKinsey) đã công bố Báo cáo “Hiệu quả vượt trội: Các nền kinh tế mới nổi với sức tăng trưởng cao và những doanh nghiệp hậu thuẫn."

Trong 71 nền kinh tế được phân tích từ Báo cáo trên, 18 nền kinh tế được đánh giá là “đạt hiệu quả vượt trội hơn." Theo đó, bảy nền kinh tế đã tăng trưởng GDP bình quân đầu người hơn 3,5% trong vòng 50 năm, từ 1965 đến 2016 và 11 nền kinh tế khác có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, trong khoảng thời gian ngắn hơn, đạt mức 5% mỗi năm trong 20 năm từ 1996-2016 gồm Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Ethiopia, Ấn Độ, Kazakhstan, Lào, Myanmar, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam.

Bà Anu Madgavkar, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn chiến lược kinh doanh quốc tế, người thực hiện Báo cáo, cho biết các nền kinh tế mới nổi chiếm gần 2/3 mức tăng trưởng GDP của thế giới và hơn một nửa mức tiêu dùng mới trong 15 năm trở lại đây. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của từng nền kinh tế trong nhóm này cơ bản có sự khác biệt rất đa dạng.

Dù có sự khác biệt giữa tính chất và chính sách của các nền kinh tế được nghiên cứu, các nền kinh tế vượt trội hơn vẫn có sự tương đồng trong hai yếu tố cơ bản. Một là, có chính sách hỗ trợ tăng trưởng với mục tiêu hình thành một vòng tuần hoàn hiệu quả về năng suất, thu nhập và nhu cầu, từ đó khuyến khích tiết kiệm, đảm bảo sự ổn định, thúc đẩy cạnh tranh và sáng tạo đổi mới. Hai là, vai trò trọng yếu của các doanh nghiệp lớn nhưng bị đánh giá thấp, trong việc thúc đẩy năng suất và sự tăng trưởng.

18 nền kinh tế được đánh giá là vượt trội hơn trong Báo cáo này có số lượng doanh nghiệp quy mô lớn nhiều gần gấp đôi so với các quốc gia đang phát triển khác (doanh nghiệp quy mô lớn là các doanh nghiệp niêm yết công khai với doanh thu hàng năm trên 500 triệu USD).

Bà Anu Madgavkar nhận xét, các nền kinh tế vượt trội hơn trong một khoảng thời gian dài đã đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định và không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997, khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và các cú sốc kinh tế vĩ mô khác. Tốc độ ổn định này cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng toàn diện đã giúp tầng lớp trung lưu phát triển và gia tăng đáng kể.

[Chủ tịch WEF Borge Brende: Việt Nam có sức mạnh và nhiều cơ hội]

Báo cáo nêu bật hai yếu tố then chốt tạo nên sự tăng trưởng vượt trội. Đó là, các nền kinh tế vượt trội hơn có xu hướng hỗ trợ tăng trưởng cho các lĩnh vực công và lĩnh vực tư nhân nhằm thúc đẩy năng suất, tăng thu nhập và nhu cầu. Chính phủ các nước này có khuynh hướng đầu tư phát triển năng lực, nhanh nhạy, luôn cởi mở cho việc thử nghiệm và sẵn sàng điều chỉnh và áp dụng các thông lệ toàn cầu phù hợp với bối cảnh thực tế trong nước. Quan trọng hơn, các chính sách cạnh tranh mà các quốc gia này thực hiện đã tạo động lực để tăng năng suất, tăng cường đầu tư và gia tăng số lượng các doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao.

Cùng với đó là vai trò nổi bật của các doanh nghiệp lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP bình quân đầu người. Trong giai đoạn 1995-2016, doanh thu mà các doanh nghiệp này đóng góp vào GDP của các nền kinh tế đang phát triển có sức tăng trưởng vượt trội đã tăng gấp gần ba lần, từ khoảng cách 22% GDP lên đến 64% GDP. Các doanh nghiệp lớn tại các nền kinh tế vượt trội hơn có khuynh hướng phát triển mạnh hơn khi hoạt động trong một môi trường có tính cạnh tranh cao, buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt để giành và duy trì được vị trí dẫn đầu.

Chia sẻ quan điểm đối với vấn đề bẫy thu nhập trung bình đối với các quốc gia đang phát triển, bà Anu Madgavkar cho rằng, không phải chỉ có một khái niệm bẫy thu nhập trung bình mà bẫy có thể xảy ra đối với bất kỳ mức thu nhập nào, ở bất kỳ quốc gia nào. Mở cửa nền kinh tế, cạnh tranh... là những yếu tố quan trọng giúp các công ty, doanh nghiệp, sáng tạo, chuẩn bị đón nhận độ mở của nền kinh tế, từ đó cải thiện được tính cạnh tranh cũng như nâng cao năng suất lao động... để tồn tại và phát triển.

Bà Anu Madgavkar cho rằng, trong 15 năm qua, Việt Nam là một trong rất ít quốc gia trên thế giới có nhiều đổi mới về công nghệ, giúp cải thiện về năng suất, tăng tính cạnh tranh. Với nền tảng lực lượng lao động có kỹ năng nghề nghiệp, Việt Nam cần tận dụng lợi thế này trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy nhiên, các nền kinh tế ASEAN cần lưu ý tới vấn đề già hóa dân số. Theo đó, đến năm 2030, khoảng 10% dân số khu vực ASEAN sẽ ở độ tuổi 65 trở lên. Do đó, lợi thế nhân công sẽ trở thành bất lợi trong tương lai. Cùng với đó, nhiều vấn đề như nhân khẩu học, đô thị hóa, dịch chuyển lao động cũng cần được xem xét./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục