Việt Nam tổ chức hội nghị quốc tế về quyền sinh sản và tình dục

Tại hội nghị, các điểm nóng và các vấn đề xã hội nổi cộm về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục sẽ được đưa ra phân tích, thảo luận.
Nhân viên y tế siêu âm sàng lọc dị tật thai nhi cho thai phụ. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Lần đầu tiên, Hội nghị châu Á-Thái Bình Dương về sức khỏe, quyền sinh sản và tình dục (APCRSHR9) được tổ chức tại Việt Nam, dự kiến diễn ra từ ngày 27/11-30/11 ở Quảng Ninh.

Sáng 2/6, đại diện Hội Y tế công cộng Việt Nam cho hay, đơn vị này là đầu mối đăng cai tổ chức cùng các tổ chức xã hội trong nước, quốc tế và đây là hội nghị khu vực lớn nhất tổ chức tại Việt Nam về lĩnh vực liên quan.

Đây là diễn đàn khoa học về sức khỏe, quyền sinh sản và tình dục do các tổ chức xã hội dân sự khởi xướng và duy trì hai năm một lần từ 2001 đến nay.

Chương trình sẽ có sự tham gia của khoảng 1.500 đại biểu là các nhà khoa học, nghiên cứu, đại diện các mạng lưới, người ủng hộ, các nhóm cộng đồng và thanh niên trong các chương trình về sức khỏe, quyền sinh sản và tình dục tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương.

Giáo sư Lê Vũ Anh – Chủ tịch Hội y tế công cộng Việt Nam cho hay, châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực lớn với tốc độ tăng trưởng và thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, những lợi ích mà quá trình phát triển mang lại không được chia sẻ một cách công bằng giữa các nước và các nhóm trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Trong lĩnh vực y tế, đặc biệt trong sức khỏe sinh sản tình dục, người nghèo và các nhóm bên lề thường không có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tốt.

APCRSHR9 sẽ là cuộc đối thoại lớn nhất, ở đó các điểm nóng và các vấn đề xã hội nổi cộm về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục sẽ được đưa ra phân tích, thảo luận ở các góc độ khác nhau như văn hóa, tôn giáo, chính sách, hệ thống y tế, giáo dục… với cách tiếp cận công bằng sức khỏe.

Trong hội nghị, các đại biểu cũng sẽ cùng thảo luận dựa trên chủ đề chính “Không ai bị bỏ lại phía sau! Công lý trong sức khỏe sinh sản và tình dục” và 5 nhóm chủ đề liên quan.

Đó là các chủ đề như: Vượt qua rào cản xã hội, văn hóa và tôn giáo trong sức khỏe sinh sản và tình dục; Hướng tới một cơ cấu kinh tế công bằng cho sức khỏe sinh sản và Tình dục; Cải thiện công lý cho quyền sinh sản và tình dục; Chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục chất lượng tốt cho tất cả mọi người; Thúc đẩy công lý và công bằng trong sức khỏe sinh sản và tình dục và chăm sóc sức khỏe./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục