Trong 10 năm tới, 6 nền kinh tế hàng đầu ở Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore, sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 5,1%.
Đây là dự báo của Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS), công ty tư vấn Bain & Company và Hội đồng Angsana đưa ra trong báo cáo công bố ngày 1/8.
Trong báo cáo “Điều hướng gió lớn: Triển vọng Đông Nam Á 2024-2034,” các nhà phân tích nhận định cả 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi từ thị trường tiêu dùng hơn 600 triệu dân của khu vực và mối liên kết chặt chẽ với các nền kinh tế thương mại lớn.
Trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở các thị trường phát triển và quá trình phi công nghiệp hóa lan rộng do các động lực cạnh tranh thay đổi là những yếu tố có thể tác động tiêu cực cho nền kinh tế.
Đối với Singapore nói riêng, báo cáo dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm của nền kinh tế Đảo quốc Sư tử sẽ đạt 2,5% trong 10 năm tới, trong đó sản xuất, dịch vụ, du lịch và nguồn nhân lực đẳng cấp thế giới sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ.
Tuy nhiên, các thách thức về nhân khẩu học, đất đai và lao động, cũng như chi phí kinh doanh cao sẽ hạn chế phần nào triển vọng phát triển của quốc gia này./.
Tiến sỹ Đại học Deakin của Australia đánh giá Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Theo Tiến sỹ Công Phạm, một điểm thể hiện Việt Nam đã phát triển rất nhanh từ một nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường đó là sự ra đời của các công ty tư nhân và các công ty khởi nghiệp.