Việt Nam – Trữ tình và mãnh liệt trong những giai điệu thời bình

Ngày nay, cảm hứng từ tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc vẫn luôn trữ tình, lai láng và dâng trào mãnh liệt, lãng mạn trong những giai điệu thời bình...
Ca sỹ Tùng Dương hát ca khúc 'Tổ quốc ta cờ bay'

Lịch sử Việt Nam hào hùng với những mốc son chói lọi của những tháng Tám mùa Thu lịch sử, của quảng trường Ba Đình ngày 2/9 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập... đã trở thành cảm hứng bất tận cho những áng văn thơ, bản nhạc bất hủ.

Và, ngày nay tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc vẫn trữ tình, lai láng và dâng trào mãnh liệt, lãng mạn trong những giai điệu thời bình:

1. Ca khúc “Tổ quốc ta cờ bay” của nhạc sỹ Nguyễn Cường

Không chỉ nổi tiếng với những ca khúc về Tây Nguyên, nhiều năm sau này nhạc sỹ Nguyễn Cường còn để lại dấu ấn đặc biệt với chủ đề quê hương đất nước. Và “Tổ quốc ta cờ bay” là ca khúc tiêu biểu, để lại vô vàn xúc cảm thiêng liêng về tình yêu đất nước cho công chúng yêu nhạc.

Ca khúc được nhạc sỹ Nguyễn Cường sáng tác khi đến Lũng Cú (Hà Giang). Bên cột cờ Tổ quốc trên đoạn đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc, nhạc sỹ xúc động vì lòng tự hào, thiêng liêng như được lá cờ ôm trọn vào lòng. Phải đứng ở trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn) nhìn xuống mới thấy hết sự bao la của Tổ quốc, từ dãy Trường Sơn đến Hoàng Sa, Trường Sa, nhìn thẳng tới Cà Mau.

Nhạc sỹ Nguyễn Cường luôn tâm niệm rằng có đi nhiều, có xâm nhập vào đời sống mới tìm kiếm được những xúc cảm để sáng tạo.

2. Ca khúc "Lá cờ" của Tạ Quang Thắng

Ca khúc “Lá cờ” được Tạ Quang Thắng sáng tác vào tháng 6/2010 và khi được tác giả gửi tham gia sân chơi “Bài hát Việt” thì giành luôn cú hattrick, trong đó có giải quan trọng do Hội nghệ sỹ Việt Nam bầu chọn và giải thể nghiệm.

Bài hát này được viết trên niềm cảm hứng chính câu chuyện gia đình trong thời chiến của Tạ Quang Thắng. Bố của anh cũng học nghệ thuật, nhưng sau đó phải bỏ dở để tham gia kháng chiến. Mẹ của anh làm ở đoàn văn công, đi hát ở tỉnh xa phục vụ bộ đội, nguời dân miền núi, thậm chí hát trên loa phóng thanh của làng xã, phục vụ bà con làm ruộng, đồng.

Suốt thời niên thiếu, Tạ Quang Thắng luôn được nghe bố mẹ kể chuyện về chiến tranh và thời hậu chiến, hạt bobo phải đun sôi lên mới ăn được, phiếu tem thời bao cấp xếp hàng để mua gạo, dầu và đặc biệt là tình cảm của những con người trong chiến tranh: gian khổ đấy nhưng vẫn vui vẻ, lạc quan và yêu đời, yêu người.

Cứ thế, câu chuyện của bố mẹ, của quá khứ hào hùng mà bi tráng mà bao thế hệ đã ngã xuống để giành lại độc lập và hòa bình cho đất nước đã ngấm thấu và hun đúc để Tạ Quang Thắng viết nên “Lá cờ.”

Lá cờ - Tạ Quang Thắng

3. Ca khúc “Việt Nam” của Mai Khôi

Cũng trong đêm trao giải “Bài hát Việt 2010” tại Nhà hát Quân đội, Thành phố Hồ Chí Minh(27/2) bên cạnh cú hattrick đẹp của Phạm Toàn Thắng với ca khúc “Lá cờ” nhiều người vẫn còn nhớ khoảnh khắc cuối cùng “vỡ òa” đầy xúc động khi Mai Khôi bước lên bục cao nhất của giải thưởng cao nhất – “Bài hát của năm” với ca khúc “Việt Nam.”

Cũng năm đó, giải Bài hát Việt được đánh giá là năm bội thu với đóng góp của những sáng tác mới mang tính cộng đồng nhưng giàu giá trị nghệ thuật và đời sống như “Lá cờ,” “Việt Nam.”

Bài hát “Việt Nam” được Mai Khôi viết bằng tiếng Anh, với mong muốn giới thiệu đến những người nước ngoài về những bài hát của Việt Nam và về con người, đất nước Việt Nam. Tuy không chọn đối tượng đề cập thuộc về truyền thống, lịch sử nhưng được cảm xúc và suy nghĩ của một người trẻ tuổi trong thời đại hiện nay, lớn lên trong hòa bình vẫn khiến người nghe xúc động và hồi tưởng lại bề dày lịch sử và nét đẹp tâm hồn Việt Nam thể hiện qua nụ cười, ánh mắt của các chàng trai, cô gái Việt.

Khi ca khúc “Việt Nam” được cất lên bằng giọng hát của cô, cả người nghe và giới chuyên môn vô cùng ngạc nhiên bởi có sự thay đổi lớn về phong cách âm nhạc lẫn biểu diễn ở ca sỹ. Thay vì những phát ngôn và hình ảnh quyến rũ thường thấy, với “Việt Nam,” Mai Khôi cho thấy cô bắt đầu quan tâm đến những vấn đề lớn lao - là đất nước.

Việt Nam - Mai Khôi

“Xin được viết lên bài hát ca ngợi quê hương của tôi

Ôi Việt Nam đẹp xinh muôn màu ... (àh ha cùng tình người ấm áp)

Việt Nam nơi ta được thắp lên niềm tin

Nào ta cùng hát lên hồn nhiên

Cùng đi về nơi bình yên tuyệt vời (à ah)

Miền đồng quê hoang vu mình cùng ngồi bên nhau hát ca vui thiết tha…”

Bài hát với tiết tấu hiện đại, giai điệu dễ nghe, dễ thuộc và đầy tính hòa nhập với bản anh ngữ đã làm nên thành công và sự lan tỏa đầy tính biểu tượng của ca khúc “Việt Nam.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục