Chiều 17/11, tại Hà Nội, kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ 18 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc chủ trì phối hợp cùng và các cơ quan hữu quan hai nước tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Mục tiêu của kỳ họp lần này rà soát tình hình hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực từ kỳ họp lần thứ 17 tháng 11/2019 tới nay; đồng thời đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới.
Cụ thể, hai bên trao đổi về tình hình và giải pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, lao động-xã hội, môi trường, đất đai, năng lượng, cơ sở hạ tầng, lãnh sự-tư pháp, khoa học công nghệ, nông nghiệp phát triển nông thôn, tài chính-ngân hàng… và tham gia của hai nước trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế.
Phát biểu tại kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Trần Quốc Phương cho biết, quan hệ hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ trong năm qua ở tất cả các lĩnh vực.
Năm 2020 đánh dấu 28 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc và 30 năm Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Mặc dù 28 năm chưa phải là thời gian dài nhưng hai đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và hiện đang trong giai đoạn hết sức tốt đẹp.
“Hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc trong mọi lĩnh vực đều có sự phát triển vượt bậc, đem lại lợi ích và hiểu biết, tin cậy sâu sắc lẫn nhau cho cả hai phía, đánh dấu bằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện,” Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Thứ trưởng phụ trách kinh tế Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Seong-ho cho biết, Hàn Quốc và Việt Nam hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong các lĩnh vực như công nghiệp-năng lượng, hạ tầng-giao thông-xây dựng, nông nghiệp, lãnh sự-tư pháp, tài chính-ngân hàng, khoa học-công nghệ, thông tin-truyền thông, văn hóa-thể thao-du lịch, giáo dục, tài nguyên-môi trường…
"Thời gian tới, hai bên tiếp tục tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin, nâng cao năng lực. Kinh nghiệm, năng lực, trình độ của Hàn Quốc là những thế mạnh mà phía Việt Nam cần tích cực khai thác, vận động phía Hàn Quốc hỗ trợ,” Thứ trưởng Lee Seong-ho cho hay.
Về thương mại, năm 2019, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ). Đồng thời, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 19,7 tỷ USD, nhập khẩu 47 tỷ USD.
Ba quý đầu năm 2020, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, kim ngạch thương mại Việt Nam-Hàn Quốc đã giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Chín tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Hàn Quốc đạt 47,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, xuất khẩu đạt 14,5 tỷ USD, giảm 2,1% và nhập khẩu đạt 33 tỷ USD, giảm 6,5%.
[Thúc đẩy mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc]
Tại kỳ họp, nhiều ý kiến đề xuất thời gian tới, Hàn Quốc tạo thuận lợi, giải quyết nhanh thủ tục nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Từ đó, nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 100 tỷ USD theo hướng cân bằng; đồng thời, Hàn Quốc ngừng áp dụng thuế chống phá giá với mặt hàng gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến tháng 10/2020, Hàn Quốc đã có khoảng 8.900 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 70,4 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam trong 9 tháng năm 2020.
Việt Nam hiện có 49 dự án đã đầu tư sang Hàn Quốc với quy mô khiêm tốn, với tổng số vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam là 35,24 triệu USD.
Các dự án đều có quy mô nhỏ chủ yếu trên lĩnh vực khoa học và công nghệ, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đại diện phía Hàn Quốc kiến nghị, thời gian tới, trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu đang dần hồi phục sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Việt Nam hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhà đầu tư Hàn Quốc gặp phải, Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các tập đoàn lớn của Hàn Quốc có ý định dịch chuyển đầu tư khỏi các nước, nghiên cứu khả năng đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên như công nghệ cao, điện tử; năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng; xây dựng các Khu tổ hợp công nghệ chuyên sâu, đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp; nông nghiệp chất lượng cao; y tế; sinh học, du lịch, ... và khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, hai phía Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện việc nhập cảnh cho các nhân sự phía Hàn Quốc, vừa đảm bảo mục tiêu khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo phòng chống dịch.
Về viện trợ phát triển chính thức, Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển (nhận khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc).
Gần đây, tổng viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam hàng năm đạt hơn 300 triệu USD; trong đó, 90% là vốn vay ODA và 10% là viện trợ không hoàn lại.
Hợp tác phát triển Việt Nam-Hàn Quốc được ưu tiên cho những lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị; y tế; giáo dục, đào tạo; môi trường; năng lượng sạch, công nghệ thông tin…/.