Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Liên bang Thụy Sĩ, ngày 26/11 (giờ địa phương), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với bà Marie-Gabrielle Ineichen-Fleisch, Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế Thụy Sĩ.
Cuộc làm việc diễn ra trong bầu không khí xây dựng, thẳng thắn và tích cực. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Quốc vụ khanh Ineichen-Fleisch bày tỏ vui mừng có dịp gặp gỡ, trao đổi nhân chuyến thăm và nhất trí đánh giá tổng thể mối quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đang chứng kiến mức độ hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực và còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ tin tưởng với định hướng phát triển đúng đắn, quan hệ hai nước sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định, trong đó hợp tác kinh tế-thương mại là trọng tâm và động lực chính thúc đẩy quan hệ song phương.
Bộ trưởng mong muốn Thụy Sĩ với vai trò là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu ở châu Âu đối với Việt Nam, đồng thời là thành viên quan trọng của Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) sẽ cùng với Việt Nam xây dựng thành công những nền tảng hợp tác mới trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và bà Ineichen-Fleisch đánh giá cao nỗ lực của đoàn đàm phán hai bên trong suốt quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EFTA vừa qua nhằm thu hẹp tối đa khoảng cách trong các vấn đề còn tồn tại quan điểm khác biệt.
Trải qua 16 phiên đàm chính thức từ năm 2012 và nhiều phiên họp trực tuyến trao đổi ở cả cấp trưởng đoàn và cấp kỹ thuật, hai bên đều đã hiểu rõ những yêu cầu, khả năng đáp ứng cũng như khó khăn riêng của mỗi bên và đây là thời điểm đặc biệt thích hợp để kết thúc đàm phán hiệp định.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cả hai bên cần tập trung tìm ra giải pháp phù hợp trên cơ sở 3 nguyên tắc “Thương mại hài hòa-Cân bằng lợi ích-Hai bên cùng thắng."
Để thúc đẩy đàm phán, Việt Nam đề nghị Thụy Sĩ - nước có vai trò và uy tín lớn trong EFTA, thuyết phục các thành viên còn lại có cách tiếp cận thực tế hơn nữa, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà hai bên còn đang có khác biệt như thương mại hàng hóa, mua sắm công và sở hữu trí tuệ, để hai bên có thể sớm kết thúc đàm phán FTA này, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân.
Kết thúc cuộc họp, hai bên nhất trí cùng nỗ lực sớm kết thúc đàm phán FTA giữa Việt Nam và EFTA mà Thụy Sĩ là nước dẫn đầu, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phát triển mạnh mẽ.
Hai bên coi đây là nhiệm vụ ưu tiên cần tập trung thúc đẩy nhằm tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho các doanh nghiệp hai nước yên tâm hợp tác kinh doanh lâu dài, trong đó có việc thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
[Việt Nam là một ưu tiên của Thụy Sĩ trong hợp tác phát triển kinh tế]
Để hiện thực hóa quyết tâm của các cấp lãnh đạo, dự kiến cấp kỹ thuật của hai bên sẽ có các cuộc trao đổi chi tiết bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lần thứ 12 tại Geneva từ ngày 29/11 đến 3/12.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng mời Quốc vụ khanh Ineichen-Fleisch dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Thụy Sĩ sang thăm và làm việc tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp cấp cao Việt Nam-Thụy Sĩ do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin đồng chủ trì.
Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp tại diễn đàn liên quan tới kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam đã đưa ra cam kết hết rõ ràng tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam sẽ triển khai một chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ ngay từ thời điểm này.
Dự thảo Chương trình Phát triển điện lực của Việt Nam giai đoạn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) sẽ được rà soát lại để phù hợp với các cam kết đã đặt ra, trong đó xem xét giảm dần tỷ trọng các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách hợp lý, tăng cường khả năng khai thác các nguồn điện khí, năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, sinh khối...). Theo đó, tới năm 2030, Việt Nam sẽ chỉ duy trì các nhà máy điện than hiện có và những dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ trước. Sau năm 2030, Việt Nam sẽ không phát triển thêm bất kỳ nhà máy nhiệt điện than nào nữa.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ nghiên cứu để ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các dự án đang sử dụng hoặc sẽ sử dụng các nguyên liệu ít ô nhiễm môi trường, hạn chế tối đa phát thải khí nhà kính. Về cơ bản, Quy hoạch điện VIII sẽ tiếp tục khuyến khích sự phát triển của năng lượng tái tạo và giảm mạnh sự phụ thuộc vào các nguồn điện than.
Với những cam kết của Việt Nam và cam kết của cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam để đạt mục tiêu đưa ra trong COP26, Việt Nam rất cần sự hợp tác về công nghệ, quản trị và nguồn lực tài chính của các quốc gia đối tác, các nhà đầu tư.
Việt Nam mong muốn và hoan nghênh các nhà đầu tư Thụy Sĩ, châu Âu và các quốc gia phát triển nói chung đến Việt Nam để cùng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực ưu tiên này./.