Nhằm triển khai các chương trình hợp tác song phương, ngày 25/1, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển Kinh tế, Thương mại và Nông nghiệp Cộng hòa Ukraine đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức Khóa họp lần thứ 15 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Ukraine về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật bằng hình thức trực tuyến.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An và Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế, Thương mại và Nông nghiệp Ukraine Taras Kachka đồng chủ trì khóa họp.
Về phía đầu cầu tại Việt Nam, tham dự Khóa họp còn có Bà Natatya Zhynkina, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam; đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, viện, tập đoàn và một số công ty của Việt Nam.
[Việt Nam là đối tác quan trọng của Ukraine trong ASEAN]
Tại đầu cầu Ukraine có sự tham dự của ông Nguyễn Hồng Thạch, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ukraine và đại diện các bộ ngành, cục, vụ, viện và các công ty của Ukraine mong muốn được phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết quan hệ giữa Việt Nam và Ukraine, đặc biệt từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 đã phát triển hết sức tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển ở mỗi quốc gia.
Thời gian qua hai bên đã có những nỗ lực lớn nhằm thiết lập lại các mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, đề ra các giải pháp cụ thể và toàn diện đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng hiệu quả, thiết thực, nhằm hiện thực hóa các cam kết và quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Tại Khóa họp lần thứ 15, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước trong thời gian qua, cùng nhau rà soát những nội dung hợp tác đã được thống nhất tại Nghị quyết Khóa họp lần thứ 14; bàn bạc về các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho thương mại song phương và phương hướng hợp tác trong thời gian tới; đặc biệt là mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước phát triển hợp tác trên nền tảng sẵn có hoặc tìm kiếm hợp tác mới.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An vui mừng nhận thấy trong thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu từ Việt Nam sang Ukraine đạt 284,8 triệu USD (tăng 15,04%), nhập khẩu từ Ukraine đạt 193,5 triệu USD (tăng 58,81%), tổng kim ngạch đạt 478,33 triệu USD (tăng 29,48%).
Trong số các biện pháp để hỗ trợ tăng trưởng thương mại thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị hai bên nỗ lực hợp tác trong việc tạo khung khổ pháp lý thuận lợi hóa song phương trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm giúp cho hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, thịt, hoa quả tươi... được tiếp cận thị trường Ukraine một cách dễ dàng hơn và tương tự, các mặt hàng như ngũ cốc, thịt, sữa… của Ukraine xuất khẩu sang Việt Nam.
Về đầu tư, cho đến nay, Ukraine có 27 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 30,1 triệu USD (theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài tính đến tháng 9 năm 2020), đứng thứ 67 trên tổng số 138 nước và vùng lãnh thổ đầu tư và Việt Nam.
Các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực vận tải kho bãi; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; lĩnh vực khoa học công nghệ...
Việt Nam có 6 dự án đầu tư tại Ukraine với tổng vốn đầu tư gần 4 triệu USD, phần lớn do doanh nghiệp Việt Nam đang sinh sống, làm ăn tại Ukraine đầu tư vào các lĩnh vực chế biến thực phẩm, bao bì, carton, nhà hàng.
Trong thời gian Khóa họp, các đại biểu của hai bên đã trao đổi về tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực khác như ngoại giao, tài chính, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học-công nghệ; trong đó đặc biệt là lĩnh vực khoa học vũ trụ, tài nguyên môi trường, y tế...
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch nhấn mạnh: "Một thuận lợi khác cho việc thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Ukraine là việc có hàng nghìn người Việt Nam đang sinh sống ở Ukraine. Đại bộ phận họ là những người chọn ở lại sinh sống ở Ukraine sau khi kết thúc học tập và làm việc ở Ukraine trong những năm 1980-1990. Họ là những người hiểu rất rõ nhu cầu, tiềm năng của cả Việt Nam Ukraine và sẽ là những cầu nối rất vững chắc để kết nối hai đất nước chúng ta."
Về phía Ukraine, theo Thứ trưởng Taras Kachka, để thúc đẩy tăng trưởng thương mại song phương, tận dụng các tiềm năng hợp tác sẵn có, hai bên cần có cơ chế của một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa hai nước, với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan.
Do vậy, phía Ukraine đề xuất việc hai bên sớm hoàn thiện nghiên cứu khả thi về thiết lập một FTA song phương, trên cơ sở nghiên cứu chung mà hai Bên đã thực hiện vào năm 2014.
Trong năm 2021, Ukraine mong muốn thúc đẩy hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình dương trong chính sách đối ngoại và hy vọng sẽ đẩy nhanh đàm phán FTA với Trung Quốc, Indonesia và với Việt Nam, được coi là cầu nối hợp tác với khu vực Đông Nam Á.
Đối với hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, Khóa họp cũng đã dành nhiều thời gian cho thảo luận về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là chế biến sâu các sa khoáng ven biển (chế biến sâu quặng Inmenit, Zircon, Monaxit).
Phía Việt Nam đề nghị phía Ukraine giới thiệu đối tác để tại Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Vinatom) và Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ-Luyện kim Việt Nam (Vimluki) trực tiếp trao đổi về cách thức thành lập và thảo luận về kế hoạch hoạt động của phòng thí nghiệm.
Ngoài ra các doanh nghiệp Việt Nam như Tập đoàn Hưng thịnh, Tập đoàn GFS... đã có quan hệ hợp tác với các đối tác của Ukraine và đang mong muốn thông qua cơ chế Ủy ban liên Chính phủ để hỗ trợ thúc đẩy có quan hệ hợp tác một cách hiệu quả trong thời gian tới.
Kết thúc Khóa họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An và Thứ trưởng Taras Kachka đã ký Biên bản Khóa họp lần thứ 15 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Ukraine về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật theo hình thức hộp thư ngoại giao và chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Ủy ban chứng khoán Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch chứng khoán Quốc gia Ukraine và Bản ghi nhớ giữa Trung tâm vũ trụ quốc gia Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cơ quan vũ trụ Nhà nước Ukraine về hợp tác nghiên cứu và sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình./.