Ngày 5/12, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ bán đấu giá phần vốn góp hơn 134 tỷ đồng (hơn 13,4 triệu cổ phần theo mệnh giá), tương đương 22,03% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu Biển Việt Nam với mức giá khởi điểm 1.200 đồng/cổ phần, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của VST đã rơi xuống mức 600 đồng/cổ phiếu và hoạt động chuyển nhượng gần như “đóng băng” trong suốt thời gian dài.
Trước đó, Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu Biển Việt Nam niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vào năm 2009. Song đến năm 2015, Công ty đã bị hủy niêm yết trên HoSE do kinh doanh thua lỗ và chuyển về giao dịch trên sàn UpCoM (mã chứng khoán VST).
Sau đó, VST tiếp tục kinh doanh “bi bét”, theo Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng của năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Công ty âm 182 tỷ đồng, kéo theo lỗ luỹ kế lên đến 1.485 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 860 tỷ đồng.
Tính hết quý 3/2018, tổng tài sản của Công ty là 1.366 tỷ đồng trong khi nợ phải trả 2.228 tỷ đồng và vượt 63% tổng tài sản.
Sau hai lần tăng vốn, từ 400 tỷ đồng ban đầu Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu Biển Việt Nam có vốn điều lệ 609 tỷ đồng vào năm 2018. Cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn cổ phần của Công ty gồm Vinalines sở hữu 58,03% vốn và một cá nhân khác giữ 5,43% vốn cổ phần.
Hoạt động kinh doanh chính của Công ty gồm kinh doanh vận tải biển, đại lý tàu biển, môi giới và cung ứng xuất khẩu thuyền viên, cung ứng dịch vụ và xuất nhập khẩu, sửa chữa và bảo dưỡng tàu. Trong đó kinh doanh vận tải biển là hoạt động kinh doanh mang lại doanh thu chính. Hiện, công ty quản lý và khai thác 8 tàu biển với trọng tải 151.392 DWT hoạt động khắp thế giới./.