Ngày 22/9, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) đã tổ chức phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cho Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) theo chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của Thủ tướng Chính phủ.
Tại phiên đấu giá, kết quả đã có tổng cộng 87 nhà đầu tư tham gia đấu giá, trong đó có 54 nhà đầu tư cá nhân trong nước, 18 cá nhân nước ngoài, 3 tổ chức trong nước và 12 tổ chức nước ngoài.
Số lượng cổ phiếu đăng ký mua vào là 110.558.200 cổ phần trên tổng số 121,9 triệu cổ phần mang ra đấu giá, chiếm 90,6% tổng số lượng cổ phần bán đấu giá đợt này.
Mức giá trúng cao nhất là 12.000 đồng/cổ phần và mức giá bình quân 11.000 đồng/cổ phần. Khối lượng đặt mua cao nhất là 30.000.000 cổ phần.
Như vậy, tổng giá trị cổ phần bán được của Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong đợt IPO này là hơn 1.216 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 18/9, Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex tổ chức Lễ ký kết hợp đồng mua bán cổ phần với hai nhà đầu tư chiến lược là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID) và Tập đoàn Vingroup - Công ty CP (Vingroup).
Cụ thể, Tập đoàn Vingroup, nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phân phối, Tập đoàn đa ngành sở hữu chuỗi bán lẻ là các trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam, đăng ký mua 10% vốn điều lệ tương đương 50 triệu cổ phiếu.
Nhà đầu tư chiến lược thứ hai là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân phối, đơn vị đầu ngành về phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam, đăng ký mua 14% vốn điều lệ tương đương 70 triệu cổ phiếu.
Theo ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex, sau khi chuyển đổi sang mô hình cổ phần, Tập đoàn Vinatex sẽ mang đến lợi ích tốt nhất cho các nhà đầu tư và cổ đông trực tiếp.
Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng và được bán 24% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược./.