Ngày 5/8, hơn 250 đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành; các đơn vị và nhiều cá nhân của thành phố và các tỉnh, thành trong cả nước đã đến viếng đồng chí Trần Trọng Tân, người anh lớn của ngành tư tưởng-văn hóa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã gửi vòng hoa viếng.
Đồng chí Trần Trọng Tân đã từ trần lúc 7 giờ 30 phút ngày 4/8.
Linh cữu đồng chí Trần Trọng Tân quàn tại Nhà tang lễ thành phố số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3; lễ viếng từ 11 giờ ngày 5/8; lễ truy điệu lúc 6 giờ ngày 7/8; lễ an táng cùng ngày tại Nghĩa trang thành phố (quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh).
Đồng chí Trần Trọng Tân (tên thật Trần Trọng Hoãn), sinh ngày 15/10/1926 tại xã Tân Mỹ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị; Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia tại Campuchia; Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, VII; Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; Đại biểu Quốc hội khóa VIII; Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Thành ủy, đã về hưu.
Đồng chí đã được khen thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Lao động hạng nhất của Nhà nước Cộng hòa nhân dân Campuchia; Huy chương Vì sự nghiệp Tư tưởng-Văn hóa; Huy chương Vì sự nghiệp Dân vận; Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày; Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.
Bày tỏ lòng thương tiếc trước sự ra đi của đồng chí Trần Trọng Tân, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã viết lời cảm tưởng: "Tập thể lãnh đạo Ban, Đảng ủy và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân viên Ban Tuyên giáo Trung ương vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Trọng Tân, một đảng viên trung kiên, một cán bộ xuất sắc của Đảng, một nhà tư tưởng lý luận tâm huyết, có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta; người anh lớn, người Trưởng ban tài năng, trách nhiệm và kính yêu, gần gũi của đội ngũ những người làm công tác tư tưởng, văn hóa, công tác Tuyên giáo của Đảng.”
Trong đoàn người đến viếng, tiễn biệt đồng chí Trần Trọng Tân, với tên gọi thân mật Hai Tân, dù xem ông là người đồng chí, người đồng đội hay là một người anh, người chú, người thầy của mình, ai cũng bày tỏ lòng tiếc thương trước một tấm gương sáng về sự tận tâm, tận tụy với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hết lòng vì dân, vì nước.
Chia sẻ cảm xúc khi nhắc về chú Hai Tân trong công tác tuyên giáo, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí Thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhớ lại: "Làm công tác tuyên giáo, bao giờ chú cũng mong muốn tiếp tục đổi mới, tăng cường lắng nghe, đối thoại, tranh luận, khuyến khích tự do diễn đạt, độc lập suy nghĩ. Chú căn dặn công tác tuyên huấn của Đảng phải nhằm vào ba yêu cầu: xây dựng về mặt tư tưởng cho các tổ chức trong hệ thống chính trị, hình thành ý thức hệ mới trong xã hội phù hợp với chế độ xã hội mới, xây dựng con người có tư tưởng mới. Chú luôn khuyên cán bộ trẻ phải học, phải đọc. Chú cũng rất quan tâm đội ngũ những người làm báo và văn nghệ sỹ."
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Trọng Tân cũng đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa.
ÔngLê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh viết vào sổ tang: "Những năm tháng công tác và cống hiến cho Thành phố Hồ Chí Minh trên các cương vị khác nhau cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, chú Hai, anh Hai luôn là tấm gương sáng mà chúng tôi tâm nguyện noi theo; tấm gương về sự tận tâm, tận lực trong suy nghĩ, trăn trở tìm cách giải quyết sao cho có lợi nhất cho dân, cho nước.
Trong cuộc đời cống hiến trọn vẹn của chú, chú tỏa sáng như người anh cả, người thầy của ngành Tuyên giáo thành phố; tuyên huấn trong chiến đấu, tuyên huấn trong ngục tù, tuyên huấn trong xây dựng, tuyên huấn trong lòng dân..."
Ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh: "Chúng tôi nguyện mãi noi gương đồng chí, học theo đồng chí, một tấm gương chiến đấu kiên trung, một tấm gương cống hiến không ngừng nghỉ, một tấm gương không ngừng tự học, một tấm gương đạo đức sáng ngời"./.