Virus Zika ảnh hưởng đến 5% phụ nữ mang thai ở vùng hải ngoại Mỹ

Trong báo cáo đầu tiên về những hậu quả của virus Zika ở các vùng lãnh thổ hải ngoại Mỹ, ngày 8/6, CDC cho biết 5% số phụ nữ nhiễm virus này khi mang thai được xác định con bị đầu nhỏ.
Virus Zika ảnh hưởng đến 5% phụ nữ mang thai ở vùng hải ngoại Mỹ ảnh 1Muỗi Aedes Aegypti, vật trung gian truyền virus Zika. (Ảnh: AP/ TTXVN)

Trong báo cáo đầu tiên đề cập đến những hậu quả của virus Zika tại các vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ, ngày 8/6, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh nước này (CDC) cho biết 5% số phụ nữ nhiễm loại virus nguy hiểm này khi mang thai đã được xác định có bào thai và trẻ nhỏ được sinh ra bị di tật đầu nhỏ.

Khảo sát bệnh án của 1.508 phụ nữ được xác định nhiễm virus Zika trong giai đoạn từ 1/1/2016 đến 25/4 vừa qua và đã hoàn tất thai kỳ, các chuyên gia CDC phát hiện hơn 120 trường hợp thai phụ có kết quả kiểm tra cho thấy bào thai và trẻ nhỏ được sinh ra bị khuyết tật đầu nhỏ bất thường.

Bên cạnh đó, các chuyên gia phát hiện nhiều biểu hiện phức tạp khác xuất hiện ở trẻ nhỏ, bao gồm các vấn đề về vận động, phối hợp, ăn uống và gần như quấy khóc liên tục.

Thống kê của CDC được thực hiện tại các vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ gồm Guam, American Samoa, các quần đảo Virgin, Micronesia, Cộng hòa đảo Marshall và Puerto Rico.

Kết quả trên cũng phù hợp với những số liệu báo cáo trước đó về các trường họp nhiễm virus Zika tại Mỹ.

[Tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc các dị tật bẩm sinh do virus Zika cao tại Mỹ]

CDC khuyến cáo các cơ quan chức năng tiếp tục cảnh giác và duy trì các biện pháp nhằm ngăn chặn các trường hợp nhiễm virus Zika mới.

Kể từ sau khi virus Zika bùng phát trên quy mô rộng lớn vào giữa năm 2015, khiến hơn 1.5 triệu người, chủ yếu ở Brazil và các nước ở miền Nam châu Phi, bị ảnh hưởng.

Virus Zika đã ảnh hưởng đến khoảng 70 nước trên thế giới.

Tháng 11/2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp liên quan đến virus này, song cơ quan này vẫn cảnh báo dịch bệnh vẫn là một thách thức toàn cầu bởi cho tới nay các nhà khoa học vẫn chưa bào chế được vắcxin hay thuốc đặc trị phòng chống virus Zika.

Virus Zika chủ yếu lây truyền qua vết cắn của loại muỗi Aedes aegypti nhưng cũng có thể lây qua đường tình dục.

Người nhiễm virus này có những triệu chứng nhẹ hơn bị sốt xuất huyết hoặc bệnh sốt phát ban do muỗi truyền bệnh, gồm viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ, đau khớp và phát ban.

Bệnh không nguy hiểm đối với người bình thường, nhưng những phụ nữ mang thai bị nhiễm Zika có thể sinh con mang dị tật đầu nhỏ - một khiếm khuyết đặc trưng của não nhỏ bất thường và kém phát triển, hoặc các vấn đề về thị giác, thính giác và di chuyển chân tay.

Cũng trong ngày 8/6, Đại học Michigan đã công bố nghiên cứu khoa học cho thấy các loại hóa chất Naled đang được sử dụng để ngăn chặn loại muỗi mang virus Zika và loại thuốc trừ sâu có tên khoa học là Chlorpyrifos có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng vận động của trẻ nhỏ.

Nghiên cứu chỉ ra rằng nhóm 25% trẻ nhỏ bị phơi nhiễm hóa chất nhiều nhất qua người mẹ trong quá trình thai kỳ, có kỹ năng vận động giai đoạn 9 tháng tuổi thấp hơn 3 đến 4% so với nhóm trẻ 25% bị phơi nhiễm ở mức thấp nhất.

Bé gái được xác định là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với bé trai. Cụ thể, hóa chất diệt muỗi mang virus Zika tác động đến những kỹ năng vận động tinh liên quan đến bàn tay, ngón tay, mặt, miệng và bàn chân, trong khi chlorpyrifos ảnh hưởng đến kỹ năng vận động của các bộ phận cơ thể như cánh tay, chân và các kỹ năng vận động tinh.

Naled là một trong những hóa chất được sử dụng tại nhiều bang của Mỹ để diệt loại muỗi truyền virus Zika, trong khi đó, Chlorpyrifos được sử dụng trong quá trình trồng trọt các loại rau, hoa quả để ngăn chặn sâu bệnh từ những năm 60 của thế kỷ trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục