“Nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng, các chỉ số vĩ mô đều tốt, lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ linh hoạt, tỷ giá ổn định… Tất cả mọi chuyện đang trong mức độ khả quan… thì bỗng nhiên, thị trường chứng khoán chao đảo. Yếu tố tác động quan trọng xuất phát từ các nhà đầu tư nước ngoài,” tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
[Ngoại trưởng Đức: EU không chịu khuất phục Mỹ về thương mại]
Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn – SSI, tính chung từ đầu năm tới nay, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng 33.876 tỷ đồng. Tuy nhiên trên thực tế, họ chỉ mua ròng ở kênh giao dịch thỏa thuận với giá trị 44.558 tỷ đồng. Còn tại thị trường giao dịch khớp lệnh, họ duy trì đà bán ròng 10.681 tỷ đồng trong 5 tháng liên tiếp và điều này đang tạo áp lực lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước.
Khối ngoại “ăn xổi” trên thị trường mới nổi
Lý giải về nhận định của mình, tiến sỹ Hiếu chỉ ra, thị trường chứng khoán Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư nước ngoài. Bởi, khối ngoại đang giữ tỷ trọng lớn và nắm vị thế dẫn dắt thị trường.
Tiếp đến, ông Hiếu phân tích, khối ngoại đầu tư trên cả hai thị trường (thị trường truyền thống tại các nước phát triển và thị trường cận biên, mới nổi). Khi thị trường truyền thống tăng điểm, họ kiếm được lợi nhuận và dùng nguồn tiền này đầu tư vào các thị trường mới nổi, cận biên nhằm “ăn xổi” với mục tiêu kiếm lời nhanh và thời điểm đó thị trường Việt Nam cũng được hưởng lợi.
“Nhưng khi thị trường truyền thống lao dốc, khối ngoại lập tức bán tháo và chốt lời tại các thị trường cận biên, mới nổi để bù đắp vào những thiện hại trên thị trường truyền thống. Và tôi nghĩ rằng, đó là lý do có thể giải thích vừa qua VN-Index giảm sâu trong thời gian qua,” ông Hiếu nói.
Giá chứng khoán giảm về đầu “sóng”
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán – SSI cho biết, định giá P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu ) của thị trường đã giảm xuống 17,2x và tương đương với mức tại thời điểm trước “sóng” tăng mạnh kéo dài sáu tháng (từ tháng 10/2017).
Tuy nhiên, ông Linh chỉ ra, mức định giá này vẫn còn khá cao so với lịch sử 5 năm trở lại đây. Cụ thể, giai đoạn từ 2012-2017, P/E của VN-Index có mức trung bình 13,8x (dao động trong khoảng 10,3x – 17,4x).
Với mức P/E trên, ông này cho rằng, định giá về thị trường chứng khoán Việt Nam chưa hấp dẫn hơn so với các thị trường khu vực (P/E của Trung Quốc xuống dốc còn 13,7x, Thái Lan: 16,5x, Malaysia: 17,7x, Indonesia: 20,6x và Philippines: 18,9x).
Bên cạnh yếu tố thị trường, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý các nhà đầu tư về mối tương quan chặt chẽ giữa thị trường trong nước và quốc tế, “khi các nhà đầu tư quốc tế cảm thấy mối lo ngại về khả năng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc trở nên trầm trọng, thì chỉ số chứng khoán toàn cầu sẽ rung lắc và lập tức chỉ số VN-Index bị ảnh hưởng.”
Thị trường phái sinh hút vốn?
Trong một diễn biến khác, khi thị trường chứng khoán kéo dài chuỗi ngày ảm đạm thì chứng khoán phái sinh lại sôi động, thanh khoản thị trường đạt kỷ lục với khối lượng 164.872 hợp đồng (ngày 6/7), tương đương giá trị 14.705 tỷ đồng và gấp 3 lần thị trường cơ sở.
“Nhà đầu tư đang tận dụng được lợi thế của thị trường phái sinh trước xu hướng xuống giá chứng khoán và giao dịch trong ngày T+0. Cùng với sự gia tăng về khối lượng giao dịch, khối lượng hợp đồng mở có sự cải thiện song không đáng kể.” Do đó, ông Linh cho rằng, “chưa có đủ cơ sở để cho rằng thị trường phái sinh thu hút vốn từ thị trường chứng khoán cơ sở.”
Không phủ nhận tính hấp dẫn của thị trường phái sinh trong thời điểm này, song ông Linh vẫn khuyến cáo nhà đầu tư một vài điểm cần lưu ý, như tăng tỷ lệ ký quỹ khi nhận thấy rủi ro thị trường tăng (cụ thể liên quan đến biến động giá chứ không phải xu hướng giá). Bên cạnh đó, khi biến động thị trường giảm, nhà đầu tư cũng cần nhanh chóng giảm tỷ lệ ký quỹ nhằm tăng tỷ lệ đòn bẩy để có thể tối đa hóa khả năng sinh lời./.