VN-Index tuần tới có thể sẽ hồi phục kỹ thuật ngưỡng 1.000 điểm

Diễn biến thị trường gây thất vọng lớn cho giới đầu tư khi mốc 1.000 điểm bị “xuyên thủng” một cách rất dễ dàng.
Khách hàng giao dịch tại sàn giao dịch BVSC. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Khách hàng giao dịch tại sàn giao dịch BVSC. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Diễn biến thị trường gây thất vọng lớn cho giới đầu tư khi mốc 1.000 điểm bị “xuyên thủng” một cách rất dễ dàng.

Đây có thể là yếu tố cản trở đà hồi phục cho thị trường trong tuần tới vì tâm lý nhà đầu tư đã trở nên thận trọng.

Cụ thể, thị trường điều chỉnh trở lại trong tuần giao dịch qua sau khi phải chịu áp lực bán rất mạnh trong phiên 21/3. Kết tuần giao dịch (từ 18-22/3), VN-Index giảm 15,41 điểm xuống 988,71; HNX-Index giảm 2,354 điểm xuống 108,09 điểm.

Tính chung cả tuần, thanh khoản tiếp tục tăng và ở trên mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 6.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào phiên giao dịch cuối tuần có thể thấy, mặc dù phiên cuối tuần thị trường đã có đà hồi phục trở lại và tiến về sát ngưỡng 1.000 điểm nhưng thanh khoản có xu hướng giảm.

Cụ thể, phiên cuối tuần giao dịch thỏa thuận chiếm tới 1.878 tỷ đồng nên tổng giá trị giao dịch khá cao, đạt 5.588 tỷ đồng, nhưng giao dịch khớp lệnh lại giảm gần 15%, chỉ đạt hơn 3.700 tỷ đồng. Đây là mức giao dịch khớp lệnh thấp nhất trong 10 phiên trở lại đây.

Thanh khoản giảm cho thấy nhà đầu tư đã trở nên thận trọng. Điều này cũng  dễ hiểu khi mà VN-Index mất mốc 1.000 điểm một cách dễ dàng.

Giới chuyên gia cho rằng, tuần giao dịch tới là tuần rất nhạy cảm và khó đoán định.

Thị trường đang đứng trước 2 khả năng, có thể phục hồi nếu VN-Index không  bị “xuyên thủng” mức 980. Do vậy, có lẽ cần thêm thời gian để quan sát diễn biến thị trường để có thể đưa ra nhận định xu hướng chính xác hơn.

Diễn biến nội tại của thị trường cũng cho thấy, hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn đang rơi vào điều chỉnh. Nhóm cổ phiếu thuộc Vingroup diễn biến khá tiêu cực khi các mã VRE giảm tới 6,8%, VHM giảm 2,1%, trong khi VIC có tới 3 phiên giảm giá và chỉ có 2 phiên tăng giá, kết tuần cổ phiếu này đứng giá so với tuần trước đó.

[Phố Wall đi lên, thị trường chứng khoán châu Âu "rung lắc"]

Nhóm thực phẩm-đồ uống chứng cũng diễn biến không khả quan, trong khi hai mã SAB và VNM diễn biến đi ngang so với tuần trước thì cổ phiếu MSN sụt giảm 2,4%.

Các cổ phiếu lớn có ảnh hưởng chi phối thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh giảm, sẽ kéo cả thị trường đi xuống.

Thêm vào đó, nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh nhất tuần với hầu hết những mã quan trọng nhất như PLX giảm 5,4%, POW (4,9%), BSR (6,4%), PVD (5,6%), PVS (2,8%)...

Tuần qua, giá dầu thế giới có lúc đã vọt lên mức đỉnh của năm nay, trước những thông tin nguồn cung sẽ thắt chặt hơn.

Tuy nhiên, mối lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” đã kéo lùi đà tăng của giá mặt hàng này trong phiên cuối tuần.

Tính chung cả tuần, giá dầu thô Brent giảm 0,2%, còn giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 0,8% so với tuần giao dịch trước.

Giá dầu có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu dầu khí, nhưng đang có diễn biến bất định. Như vậy, trong giai đoạn này không thể căn cứ vào giá dầu để đưa ra những dự báo cho nhóm cổ phiếu dầu khí.

Nhìn vào diễn biến của thị trường hiện tại và những thông tin vĩ mô có thể tác động đến nhóm cổ phiếu dầu khí, chưa có gì đảm bảo nhóm cổ phiếu này sẽ hồi phục trong tuần tới.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến tiêu cực trong tuần qua, với các mã vốn hóa lớn trong nhóm đều ở chiều giảm giá như  BID giảm 5,6%, ACB và SHB đều giảm 3,8% ,VPB (3,7%), TCB (2,8%), VCB (1,4%), CTG (0,9%)... Như vậy, các mã cổ phiếu vốn hóa lớn và những nhóm cổ phiếu quan trọng bậc nhất thị trường đang có diễn biến kém lạc quan.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ cũng vừa trải qua một tuần giao dịch ảm đạm, với việc cả ba chỉ số chính đều sụt giảm, giữa bối cảnh chính sách lãi suất tại Mỹ và sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu tác động đến tâm lý.

Đặc biệt, trong phiên cuối tuần (22/3), chứng khoán Mỹ giảm mạnh, với ba chỉ số ghi dấu ngày giảm mạnh nhất kể từ ngày 3/1 vừa qua, giữa những số liệu yếu kém từ kinh tế Mỹ và châu Âu.

VN-Index tuần tới có thể sẽ hồi phục kỹ thuật ngưỡng 1.000 điểm ảnh 1Các nhà đầu tư tại sàn giao dịch chứng khoán New York của Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm tới 460,19 điểm (1,77%) xuống 25.502,32 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 54,17 điểm (1,9%) xuống 2.800,71 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 196,29 điểm (2,5%) xuống 7.642,67 điểm.

Thống kê cho thấy, hoạt động chế tạo tại Mỹ trong tháng Ba này yếu hơn dự kiến, trong khi những báo cáo về kinh tế châu Âu và Nhật Bản cũng không khá hơn.

Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong nước năm nay.

Tuần tới là tuần giao dịch cuối cùng của quý 1, được đánh giá là nhạy cảm. Thống kê những năm gần đây cho thấy, thị trường chứng khoán thường tăng điểm vào quý 1 và giảm điểm hoặc diễn biến lình xình vào quý 2.

Những thông tin vĩ mô và diễn biến tại các nhóm cổ phiếu đang cản trở đà phục hồi của thị trường. Tuy nhiên, khối ngoại có thể là yếu tố nâng đỡ thị trường trong tuần tới.

Theo đó, trong tuần qua, khối ngoại mua ròng mạnh. Tính trên toàn thị trường, khối ngoại mua vào 215,7 triệu cổ phiếu, trị giá 7.446 tỷ đồng, trong khi bán ra 180,5 triệu cổ phiếu, trị giá 6.484,4 tỷ đồng. Như vậy, tổng khối lượng mua ròng đạt hơn 35 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng lên đến 962 tỷ đồng.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường đang nằm trong vùng biến động giá tương đối nhạy cảm và chưa có tín hiệu rõ ràng về hướng đi kế tiếp. Do đó, BVSC cho rằng, nhà đầu tư có thể cân nhắc tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu ở mức 30-40% để đảm bảo an toàn cho danh mục.

Có góc nhìn khá tương đồng, nhóm phân tích đến từ  Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho rằng, hiện tại, có lẽ chỉ có việc khối ngoại mua ròng khoảng 970 tỷ đồng trên hai sàn trong tuần qua; trong đó có mua ròng 13,5 triệu chứng chỉ quỹ E1VFVN30 là hỗ trợ cho tâm lý chung. Phản ứng của thị trường với ngưỡng 1.000 điểm trong tuần tiếp theo sẽ là tín hiệu quan trọng cho hướng đi tiếp của thị trường.

SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (25/3-29/3), VN-Index có thể sẽ hồi phục kỹ thuật nhằm kiểm tra lại ngưỡng quan trọng 1.000 điểm vừa đánh mất trong tuần qua.

SHS khuyến nghị nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao có thể tiếp tục quan sát thị trường, nhất là phản ứng quanh mốc 1.000 điểm để có quyết định hợp lý.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt nêu quan điểm, phiên tăng điểm cuối tuần qua nhiều khả năng chỉ mang tính phục hồi kỹ thuật. Nhà đầu tư cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu vì những rủi ro trong ngắn hạn là chưa thể loại trừ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục