Theo nhiều nhận định gần đây, triển vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc vào năm 2022 nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ cùng với nhu cầu tiêu dùng phục hồi cộng thêm các chính sách tài khóa hỗ trợ của Chính phủ.
Trên cơ sở đó, nhóm phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng nhóm ngành ngân hàng sẽ là đại diện của sự hồi sinh kinh tế và dự báo tăng trưởng lợi nhuận khoảng 25% trong năm nay.
Kết quả kinh doanh triển vọng
Theo báo cáo của VNDIRECT tổng thu nhập lãi thuần (NII) trong quý 3 của 17 ngân hàng niêm yết đã tăng 20% so cùng kỳ, nhờ dư nợ vay tăng 18% và biên lãi ròng (NIM) bình quân ở mức 4% (không đổi so với cùng kỳ năm trước).
Cụ thể, tổng thu nhập ngoài lãi của nhóm ngành ngân hàng (Non-II) tăng 7%. Thêm vào đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập bình quân cũng (CIR) giảm xuống 36% (từ 40,1% trong quý 3/2020), tuy nhiên chi phí dự phòng đã tăng 31%.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho biết trong 9 tháng của năm, tổng lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng này đã tăng 43% so cùng kỳ và cao hơn mức tăng 12% của năm 2020.
“Tăng trưởng thu nhập tốt hơn đồng thời hệ số CIR (chi phí/thu nhập) giảm, điều này đã bù đắp cho việc gia tăng chi phí dự phòng ở các ngân hàng trong thời gian qua,” bà Hiền trao đổi.
Tăng trưởng lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng niêm yết trong 9 tháng:
Tuy nhiên, do tác động của COVID-19 diễn biến phức tạp nên hầu hết các ngân hàng đang tập trung vào việc kiểm soát chi phí hoạt động, nhằm hạ tỷ lệ chi phí trên thu nhập đồng thời cải thiện tăng trưởng lợi nhuận trước dự phòng (PPOP).
Vì vậy, VNDIRECT đánh giá kỳ vọng hệ số CIR (chi phí/thu nhập) của các ngân hàng từ nay đến cuối năm và cả năm 2020 sẽ duy trì ở mức như 9 tháng qua. Tuy nhiên, điều này sẽ dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong chặng cuối của năm tại các ngân hàng sẽ chậm lại.
“Thậm chí, dự báo tăng trưởng lợi nhuận giảm kéo dài ở cả năm 2022 do các ngân hàng đã được yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng,” bà Hiền chia sẻ.
Mặt khác, chất lượng tài sản của nhóm ngân hàng bắt đầu được cảnh báo với mức tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng lên xấp xỉ 2% vào cuối quý 3 (từ mức 1,49% ở cuối quý 2). Thêm vào đó, mức nợ tái cơ cấu toàn hệ thống cũng đã tăng lên 250.000 tỷ đồng (2,5% tín dụng hệ thống) vào cuối tháng 11 (từ mức 227.000 tỷ đồng vào cuối tháng Tám).
“Vì vậy, các ngân hàng sẽ phải cân bằng lại giữa mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và kiểm soát chất lượng tài sản trong bối cảnh tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn và ‘khẩu vị’ rủi ro ngày càng tăng,” bà Hiền nhận định.
Dòng tiền ổn định
Trên thị trường chứng khoán, báo cáo tiếp tục kỳ vọng thanh khoản thị trường tăng ổn định trong bối cảnh môi trường lãi suất huy động thấp. Và, xu hướng này sẽ còn kéo dài hơn và sang đến năm 2022, do nhận được hỗ trợ bởi số lượng tài khoản cá nhân mở mới (F0) tăng mạnh trong 2 tháng vừa qua.
Với vị thế chiếm 1/4 giá trị vốn hóa thị trường, nhóm phân tích của VNDIRECT đánh giá ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ sự tham gia ngày càng tăng của các nhà đầu tư cá nhân vào thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, việc xuất hiện các biến thể mới của chủng virus COVID-19 có thể sẽ cản trở sự hồi phục của nền kinh tế và lạm phát cũng cao hơn, điều này dự kiến cản trở việc mở rộng cho vay của các ngân hàng.
Cộng thêm, dự báo về tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng nhiều khả năng chậm lại cùng những lo ngại về khả năng nợ xấu tăng cao trong một vài quý tới, VNDIRECT khuyến cáo nhà đầu tư chỉ nên ưu tiên cho nhóm cổ phiếu của các ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc và có nguồn dự phòng dồi dào./.