Vụ 100 container hạt điều: DN nên giành quyền chủ động soạn hợp đồng

Đại diện Cục xuất nhập khẩu khuyến cáo doanh nghiệp nên dành quyền chủ động trong việc soạn thảo hợp đồng để nắm vững và hiểu rõ được các quy định, trách nhiệm, nghĩa vụ trong hợp đồng đó.
Phân loại nhân hạt điều tại nhà máy của Công ty Nguyên Thông, tỉnh Phú Yên. (Ảnh: Vũ Sinh /TTXVN)

Vụ việc các doanh nghiệp Việt Nam mất quyền kiểm soát 36 bộ chứng từ gốc trong số 100 container xuất sang Italy gần đây đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo Tham tán Thương mại tại Italy trực tiếp vào cuộc, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Hiện nay vẫn chưa có kết luận về bản chất của vụ việc. Tuy nhiên, qua vụ việc này, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước.

Để làm rõ hơn, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có một số trao đổi với phóng viên qua vụ việc trên.

- Thưa ông, liên quan đến các container hạt điều xuất khẩu sang Italy có dấu hiệu bị lừa đảo, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc. Xin ông cho biết hành động cụ thể của Bộ Công Thương về vụ việc này?

Ông Trần Thanh Hải: Ngay sau khi nhận được phản ánh của Hiệp hội Điều Việt Nam, Bộ Công thương đã chỉ đạo và bộ phận Thương vụ Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam tại Italia đã nhanh chóng vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân sự việc và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Trực tiếp tham tán của Việt Nam ở Italy cũng đã đến làm việc tại hai cảng lớn của Italy là Cảng Genova, Napoli là những nơi mà các lô hàng được đưa đến, làm việc với đơn vị quản lý cảng, hãng tàu, ngân hàng và chính quyền địa phương, đề nghị tạm thời chưa tiến hành giao hàng để có thời gian làm rõ vụ việc, cũng như mời luật sư đi cùng để cùng nắm vụ việc.

Kết quả bước đầu là các hãng tàu cũng đã có đồng thuận, tạm dừng quá trình giao hàng để chờ kết quả làm việc của phía Việt Nam.

[Vụ 100 container hạt điều: Các hãng tàu nước ngoài phối hợp giải quyết]

Bộ Công Thương đã có công thư gửi Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Bộ Kinh tế và Tài chính Italy đề nghị quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy nhằm nhanh chóng giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như hình ảnh và uy tín của các doanh nghiệp Italy.

- Thưa ông, qua vụ việc này có nhiều ý kiến cho rằng phương thức thanh toán giao nhận hàng trong xuất khẩu điều nói riêng cũng như nhiều loại hàng hoá nông sản khác đang có nhiều kẽ hở dễ bị lợi dụng để lừa đảo. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Ông Trần Thanh Hải: Thực tế trong hoạt động thương mại cũng có nhiều phương thức thanh toán quốc tế khác nhau, nhưng trên thực tế các doanh nghiệp cũng áp dụng một số các phương thức mang tính chất phổ biến nhất.

Đối với hàng hóa nông sản, phương thức phổ biến hiện nay, đặc biệt là trong giao dịch với thị trường khu vực châu Âu, là DP - tức là giao chứng từ để nhận tiền.

Với phương thức này, có sự tham gia của ngân hàng người mua và ngân hàng người bán - là những cơ quan trung gian và giúp khống chế bộ chứng từ trước khi chuyển giao cho người bán.

Chế biến hạt điều xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Trong vụ việc như hiện nay, dù chưa đi đến kết luận cuối cùng nhưng có một khả năng là bộ chứng từ đó đã bị can thiệp và bị chiếm đoạt trước khi đến tay của Ngân hàng. Như vậy, đây không phải là vấn đề về phương thức thanh toán mà đây là vấn đề về hành vi cố ý can thiệp và mang tính chất lừa đảo.

Vấn đề này các cơ quan hữu quan đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy phương thức thanh toán ở đây cũng chỉ là một phần và dù phương thức nào thì chúng ta cũng cần đến vai trò của ngân hàng là trung gian thanh toán đồng thời là bên khống chế chứng từ.

- Vậy qua vụ việc này thì đâu là bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Bài học đầu tiên đó là việc các doanh nghiệp của Việt Nam phải hết sức quan tâm đến việc xác minh khách hàng, xác thực khách hàng. Kể cả trong trường hợp có thể khách hàng đã có một vài lần ký hợp đồng và thực hiện rồi thì vẫn phải tiếp tục duy trì quá trình xác minh.

Việc xác minh đó có thể thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có thể thông qua kênh các Cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại các nước cũng như thông qua các dịch vụ tư vấn - tùy từng các thị trường.

Tiếp đến, các doanh nghiệp cũng nên giành quyền chủ động trong việc soạn thảo hợp đồng. Như vậy các doanh nghiệp sẽ nắm vững và hiểu rõ được các quy định, trách nhiệm, nghĩa vụ trong hợp đồng đó cũng như các điều khoản liên quan đến viễn trách, liên quan đến bồi thường… Sau này nếu có xảy ra những vấn đề về tranh chấp pháp lý thì việc xử lý chúng ta sẽ có thể nắm vững được quy trình hơn.

Dù chúng ta chưa có kết luận về vụ việc hiện nay nhưng nguy cơ - tức là nếu Bộ chứng từ bị chiếm đoạt trước khi đến tay ngân hàng thì đây cũng là một nguy cơ gây ra những rủi ro cho doanh nghiệp.

Vì vậy, các doanh nghiệp cũng không nên gửi số hiệu, các bưu phẩm chuyển phát chứng từ cho người mua nếu như các doanh nghiệp của chúng ta chưa nhận được thanh toán.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục