Vụ án lùi xe trên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên: Hai bản án bị tuyên hủy

Quan điểm của Viện Kiểm sát là không đủ điều kiện để kết luận bị cáo có tội không nên Đại diện Viện Kiểm sát nhất trí với kháng nghị của TAND cấp cao tại Hà Nội là hủy hai bản án để điều tra lại.

Ngày 30/11, Ủy ban Thẩm phán Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội tổ chức phiên họp để xét xử giám đốc thẩm vụ án lùi xe trên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên.

Về vụ án này, sau khi kết thúc xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, dư luận rất quan tâm, các phương tiện truyền thông, báo chí, truyền hình, mạng xã hội có ý kiến nhiều chiều phản ánh các quan điểm liên quan đến vụ án.

Trước đó, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ký kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm và sơ thẩm vụ án xe container đâm xe Innova lùi trên cao tốc khiến 4 người tử vong để điều tra lại.

Phiên họp của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội ngày 30/11 này nhằm mục đích làm rõ một số nội dung liên quan đến hai bản án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị.

Hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại

Theo các ý kiến trong Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, bị cáo Ngô Văn Sơn (tài xế xe Innova) điều khiển phương tiện giao thông khi trong hơi thở có nồng độ cồn, lùi xe trên đường cao tốc và chở quá số người quy định.

Tòa án các cấp đã kết án Sơn về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, trong vụ án này, để xảy ra tai nạn chết người là do va đập với xe đầu kéo do bị cáo Lê Ngọc Hoàng điều khiển.

Khi lái xe trên cao tốc, bị cáo Lê Ngọc Hoàng có nhìn thấy xe Innova bật tín hiệu lùi, cách xử lý của Hoàng như vậy đã đúng hay chưa; trong hồ sơ cũng nhiều nội dung cần làm rõ và phải nhờ vào các thiết vị khoa học để giám định, điều tra lại.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cũng nhận định vụ án diễn ra đến nay đã hai năm và vẫn còn nhiều nội dung liên quan đến giám định chưa được làm rõ. Lỗi của Sơn đã quá rõ ràng và hai bản án đã tuyên đúng người, đúng tội.

[Kháng nghị Giám đốc thẩm vụ lùi xe trên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên]

Còn bị cáo Lê Ngọc Hoàng lái xe đầu kéo, cả hai bản án đều quy kết Hoàng không đảm bảo tốc độ theo Thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ (Thông tư 91) và coi xe Innova lùi là loại “chướng ngại vật gây nguy hiểm” theo quy định của Thông tư 91 mà bắt buộc lái xe phải chú ý quan sát và xử lý tốc độ.

Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề cần làm rõ, như thời điểm xe container đầu kéo mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình thì xe đang ở vị trí nào trên sơ đồ hiện trường.

Nguyên nhân mất tín hiệu của thiết bị giám sát hành trình là gì? Vì tại thời điểm đó nếu theo nguyên lý thì xe vẫn đang chạy, nhưng kết luận giám định là tốc độ bằng 0...

Quan điểm của Viện Kiểm sát là không đủ điều kiện để kết luận Hoàng có tội hay không.

Đại diện Viện Kiểm sát nhất trí với kháng nghị của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội là hủy hai bản án để điều tra lại.

Sau khi xem xét hồ sơ vụ án và qua các ý kiến của các thành viên Hội đồng xét xử, Ủy ban Thẩm phán đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội; Đề nghị hủy Bản án phúc thẩm số 181 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên và Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2018 của Tòa án nhân dân thị xã Phổ Yên, chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội để điều tra lại theo thủ tục chung.

Điều tra lại để làm rõ vụ án

Tại phiên xét xử, Ủy ban Thẩm phán đề nghị điều tra làm rõ: Điểm va chạm đầu tiên của xe container và xe Innova trên sơ đồ hiện trường.

Đây là căn cứ quan trọng để xác định khoảng cách giữa hai xe trước khi va chạm, khoảng cách giữa hai xe thời điểm Lê Ngọc Hoàng nhấn phanh, nhằm xác định mức độ lỗi các bên.

Cơ quan chức năng làm rõ thời điểm xe container mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình thì xe đang ở vị trí nào trên sơ đồ hiện trường.

Nguyên nhân mất tín hiệu của thiết bị giám sát hành trình là gì? Có phải khi thiết bị bị mất nguồn điện thì dữ liệu thể hiện mặc định bằng 0km/h?

Theo kết luận giám định số 5902/C54-P6 ngày 19/1/2017 của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an thì thời gian mất dữ liệu của bộ thiết bị giám sát hành trình là 52 giây. Giả sử thời điểm mất tín hiệu là thời điểm xe container và xe Innova đâm va, thì theo phân tích khoa học, khoảng thời gian mất dữ liệu 52 giây tốc độ của xe container là bao nhiêu.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng lấy lời khai của Lê Ngọc Hoàng kết hợp với các dấu vết trên sơ đồ hiện trường, bảng dữ liệu về tốc độ để xác định còn cách xe Innova khoảng bao nhiêu mét thì Hoàng mới rà phanh, định chuyển hướng làn đường?

Trước khi chuyển hướng làn đường Hoàng có xi nhan chuyển làn hay không? Khi Hoàng nhấn phanh chết thì khoảng cách từ xe ôtô container và đuôi xe Innova là bao nhiêu mét.

Làm rõ với tốc độ của xe container, trọng lượng xe và khối lượng hàng chở trên xe, khi Lê Ngọc Hoàng nhấn phanh chết thì xe còn di chuyển bao nhiêu mét nữa mới dừng hẳn lại. Xác định tình trạng kỹ thuật của hệ thống phanh xe đầu kéo và rơmoóc.

Kết luận giám định số 5867/C45-P2 ngày 20/2/2018 của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã kết luận: Sau khi kiểm tra hộp số và hệ thống truyền lực của xe Innova, kết luận tại thời điểm xảy ra tai nạn xe ôtô đang hoạt động ở trạng thái số lùi.

Tuy nhiên, bản kết luận chưa làm rõ tốc độ lùi của xe Innova, chưa xác định được khi xe Innova bắt đầu lùi thì xe đang ở vị trí nào trên sơ đồ hiện trường và lùi được bao nhiêu thời gian thì bị đâm. Khi bị đâm xe Innova đang ở làn đường nào, và vị trí của xe so với chiều của làn đường là thẳng hay hơi chếch.

Theo sơ đồ hiện trường và Biên bản khám nghiệm hiện trường thì trên lan can bên phải đường có vết trượt kim loại, chiều dài 33,3m, rộng 0,8m.

Cơ quan điều tra chưa giám định xem vết trượt này do cọ xát với vật thể nào gây ra? Có thể do các thanh sắt trên xe Container (như lời khai của Hoàng) hay do cọ xát với đầu xe Innova tạo nên? Đây là chứng cứ quan trọng bổ sung thêm căn cứ để xác định điểm va chạm của hai xe trên mặt đường.

Hội đồng Thẩm phán đề nghị làm rõ đối với các phương tiện chạy trên cao tốc (quy định rõ tốc độ tối đa và tối thiểu), nếu thuộc các trường hợp phải giảm tốc độ theo quy định tại Điều 5 của Thông tư 91, thì người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ đến mức có thể dừng lại một cách an toàn (có thể dưới tốc độ tối thiểu) hay phải giảm tốc độ nhưng phải đảm bảo không thấp hơn tốc độ tối thiểu.

Với hệ thống biển báo (6 biển báo) ở bên phải đường trước khi đến lối rẽ vào khu công nghiệp Yên Bình có tác dụng đối với các phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên như thế nào và cụ thể đối với xe container do Lê Ngọc Hoàng điều khiển.

Bên cạnh đó, làm rõ xe quy định về xe đầu kéo container có được phép chở thép (mà không có thùng) hay không và chằng buộc thép như thế nào khi vận chuyển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục