Vụ bê bối Novartis: Hy Lạp khởi động điều tra 10 cựu chính trị gia

Quốc hội Hy Lạp ngày 22/2 khởi động điều tra theo yêu cầu đối với 10 cựu chính trị gia nhận hối lộ của tập đoàn dược phẩm Novartis của Thụy Sĩ hoặc giúp tập đoàn tăng giá bán khi đương chức.
(Nguồn: Reuters)

Quốc hội Hy Lạp ngày 22/2 khởi động điều tra theo yêu cầu đối với 10 cựu chính trị gia nhận hối lộ của tập đoàn dược phẩm Novartis của Thụy Sĩ hoặc giúp tập đoàn tăng giá bán khi đương chức.

Sau cuộc tranh luận qua đêm, đa số nghị sỹ của tất cả các đảng đã bỏ phiếu ủng hộ việc thành lập một ủy ban điều tra sơ bộ, theo chính nguyện vọng được làm trong sạch tên tuổi của 10 chính trị gia.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Alexis Tsipras nói hàng nghìn bác sỹ đang được trả tiền để kê đơn thuốc Novartis, giúp tập đoàn này thao túng giá thuốc và rửa tiền. Ông cam kết sử dụng mọi quyền hành có được theo luật pháp quốc gia và quốc tế để thu hồi hàng tỷ euro cho hệ thống y tế Hy Lạp đã bị tổn thất liên quan đến vụ việc này.

Chỉ Quốc hội Hy Lạp có quyền điều tra các cựu bộ trưởng do các sai phạm trong thời gian đương chức. Trong số 10 cựu chính trị gia bị cáo buộc trong cuộc điều tra chủ yếu diễn ra tại Mỹ có cựu Thủ tướng Antonis Samaras, Cao ủy phụ trách nhập cư của Liên minh châu Âu Dimitris Avramopoulos và Thống đốc Ngân hàng trung ương Yannis Stournaras.

Ông Samaras đã cáo buộc chính phủ đang tham gia vào "một cuộc chiến vu khống." Trong khi đó, ông Avramopoulos, cựu Bộ trưởng Y tế Hy Lạp nhiệm kỳ 2006-2009, đã kiện các nhân chứng đã nêu tên ông và muốn công khai danh tính của họ. Ông Stournaras, cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời ông Samaras, đã bác bỏ cáo buộc, cho đó là sự vu khống.

[Hy Lạp điều tra nghi án Novartis hối lộ để bán thuốc giá cao]

Tập đoàn Thụy Sĩ bị nghi ngờ đã hối lộ các chính trị gia và các bác sỹ từ năm 2006-2015 để có được ưu thế tại thị trường thuốc Hy Lạp cũng như bán các sản phẩm với giá cao dù các loại thuốc cùng loại có giá rẻ hơn. Chỉ riêng việc Novartis bán thuốc với giá quá đắt ước tính đã khiến Hy Lạp mất khoảng 3 tỷ euro (3,7 tỷ USD). Tính chung, nạn tham nhũng trong lĩnh vực y tế nước này gây thiệt hại khoảng 23 tỷ euro trong các năm 2000-2015.

Bộ trưởng Tư pháp Hy Lạp Stavros Kontonis năm ngoái cho biết Novartis đã hối lộ cho hàng nghìn bác sỹ và công chức. Ông cũng cáo buộc Novartis đang tiếp tục bán thuốc với giá cao, ngay cả sau khi Hy Lạp rơi vào khủng hoảng kinh tế năm 2010 và ngân sách nhà nước bị cắt giảm mạnh, khiến nhiều người dân không mua được thuốc với giá rẻ.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ước tính chi phí cho việc mua thuốc ở Hy Lạp tăng từ 23,6% chi phí y tế vào năm 2006 lên 30,7% vào năm 2011, trước khi giảm xuống 25,9% vào năm 2015 do sức ép từ các nhà tài trợ quốc tế.

Novartis nói tập đoàn đang hợp tác với các nhà chức trách Mỹ và Hy Lạp trong hơn 14 tháng, trong khi cũng tiến hành điều tra nội bộ. Tập đoàn đã nộp hàng triệu USD tiền phạt ở Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc để giải quyết các vụ kiện tham nhũng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục