Ngày 18/4, Đại tá Nguyễn Văn Lộc - Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết qua công tác điều tra, khám khá chuyên án cưỡng đoạt tài sản liên quan đến Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Pháp Việt, có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay Công an tỉnh đã khởi tố 60 bị can.
Bước đầu, các bị can thừa nhận hành vi cùng đồng bọn đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay tiền và người thân, bạn bè của họ để ép buộc người vay phải trả nợ.
Hai đối tượng cầm đầu là Trần Văn Châu (43 tuổi) và Hồ Quốc Hùng (36 tuổi), cùng ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đều là Phó Giám đốc Công ty thừa nhận việc phân công nhiệm vụ các trưởng phòng, trưởng nhóm và từng nhân viên hoạt động trên phạm vi cả nước.
Trước đó, ngày 14/2, dưới sự phối hợp, hỗ trợ của Cục Cảnh sát Hình sự và Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động hơn 120 cán bộ, chiến sỹ khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Pháp Việt.
Ngày 18/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố vụ án "Cưỡng đoạt tài sản," khởi tố và ra lệnh tạm giam đối với Hà Thị Hiệp (nhân viên Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Pháp Việt - là đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khủng bố tại Trường Tiểu học Phan Văn Kiêu, Phường 1, thị xã Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang) và Nguyễn Thanh Hải (nhóm trưởng của Hà Thị Hiệp) để điều tra làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015.
[Vụ đòi nợ thuê ở Tiền Giang: Khởi tố, bắt tạm giam thêm 3 đối tượng]
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra lệnh tạm giữ hình sự khẩn cấp đối với 13 đối tượng khác; đang củng cố chứng cứ truy bắt các đối tượng có liên quan.
Kết quả làm việc ban đầu, các đối tượng khai nhận đây là tổ chức tội phạm hoạt động "núp bóng" công ty tư vấn luật, có quan hệ hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý, do Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng cầm đầu.
Công ty nhận từ các ngân hàng, công ty tài chính trung bình mỗi tháng từ 141.000 đến 241.000 hợp đồng vay tiền của các khách hàng chưa trả được để phân chia cho các nhân viên công ty đòi nợ bằng hình thức đe dọa, khủng bố như đã nêu ở trên.
Công ty được các ngân hàng và công ty tài chính trả từ 25-35% trên tổng số tiền thu được. Ban Giám đốc công ty sử dụng số tiền này trả lương cho nhân viên và mua các công cụ, phương tiện phục vụ việc đe dọa, khủng bố khách hàng nợ tiền.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc, có 415 đối tượng liên quan đến vụ án (đã khởi tố 60 bị can), trong đó có 400 đối tượng trực tiếp tham gia hành vi đòi nợ bằng các thủ đoạn khác nhau buộc người thiếu nợ phải trả tiền. Những người liên quan đến vụ án hiện đều bị cơ quan chức năng cấm xuất cảnh.
Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh Tiền Giang yêu cầu các ngân hàng, công ty tài chính giao nộp số tiền hơn 1.000 tỷ đồng các đối tượng đã đòi nợ, cưỡng đoạt từ người vay và xem đây là tang vật trong vụ án.
Công an tỉnh Tiền Giang tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ sự việc để xử lý theo quy định của pháp luật./.