Vụ Gang thép Thái Nguyên: Kiến nghị xem xét vi phạm của Bộ Công Thương

Căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cũng như tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử kiến nghị xem xét những vi phạm của Bộ chủ quản TISCO và VNS là Bộ Công Thương.
Thẩm phán, Chủ tọa Phiên tòa Phan Huy Cương tuyên án phạt các bị cáo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Thẩm phán, Chủ tọa Phiên tòa Phan Huy Cương tuyên án phạt các bị cáo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chiều 20/4, trong bản án sơ thẩm tuyên phạt 19 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã kiến nghị xem xét vi phạm của Bộ Công Thương và xem xét khởi tố trách nhiệm hình sự đối với một số cán bộ có liên quan (nếu có căn cứ).

Cụ thể, căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cũng như tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử kiến nghị xem xét những vi phạm của Bộ chủ quản TISCO và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) là Bộ Công Thương.

Bộ đã quyết định và đưa ra những chủ trương không đúng quy định của pháp luật, giới thiệu và lựa chọn đơn vị không đủ năng lực để thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01#.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hậu quả của vụ án. Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cũng kiến nghị làm rõ những vi phạm của Tổng Công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) trong việc thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01#. Nếu có căn cứ, đề nghị khởi tố trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ có liên quan theo quy định của pháp luật.

[Nguyên Tổng Giám đốc TISCO Trần Trọng Mừng nhận án 9,5 năm tù]

Về trách nhiệm dân sự, tại phiên tòa, đại diện TISCO không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường số tiền bị thiệt hại. Về nội dung này, Hội đồng xét xử nhận thấy, TISCO là công ty cổ phần, trong đó vốn chủ sở hữu của Nhà nước là 65%.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, TISCO chỉ là người đại diện cho vốn chủ sở hữu, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến khách thể là tài sản của Nhà nước. Do vậy, Hội đồng xét xử không ghi nhận việc TISCO không yêu cầu bồi thường số tiền thiệt hại và vẫn buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường.

Cụ thể, các bị cáo trong vụ án phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho TISCO số tiền hơn 830 tỷ đồng.

Chia theo kỷ phần, các bị cáo phải bồi thường số tiền là: Trần Trọng Mừng 130 tỷ đồng, Trần Văn Khâm 120 tỷ đồng, Ngô Sỹ Hán 90 tỷ đồng, Mai Văn Tinh 80 tỷ đồng, Đặng Văn Tập 70 tỷ đồng, Đậu Văn Hùng 60 tỷ đồng, Đồng Quang Dương 50 tỷ đồng, Nguyễn Trọng Khôi và Đỗ Xuân Hòa mỗi bị cáo 40 tỷ đồng, Đặng Thúc Kháng và Uông Sỹ Bính mỗi bị cáo 30 tỷ đồng, Lê Thị Tuyết Lan 20 tỷ đồng, Nguyễn Văn Tráng 15 tỷ đồng... Năm bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng quản trị của TISCO và VNS, mỗi bị cáo bị buộc bồi thường hơn 6 tỷ đồng.

Phán quyết nêu rõ, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng các bị cáo còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Ngoài ra, Tòa cấp sơ thẩm cũng tuyên buộc tiếp tục kê biên các tài sản, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng của các bị cáo: Trần Trọng Mừng, Trần Văn Khâm, Mai Văn Tinh, Đậu Văn Hùng, Ngô Sỹ Hán.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục