Vụ Iran hạ máy bay Mỹ: Chủ tịch Hạ viện Mỹ kêu gọi phản ứng chiến lược

Bà Pelosi cho rằng nước này cần phản ứng một cách "chiến lược và thông minh," có sự phối hợp với các đồng minh, đối với vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ tại eo biển Hormuz.
Vụ Iran hạ máy bay Mỹ: Chủ tịch Hạ viện Mỹ kêu gọi phản ứng chiến lược ảnh 1Máy bay do thám không người lái RQ-4A của hải quân Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 20/6 cho rằng nước này cần phản ứng một cách "chiến lược và thông minh," có sự phối hợp với các đồng minh, đối với vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ tại eo biển Hormuz cùng ngày.

Phát biểu với báo giới, bà Pelosi nhấn mạnh "căng thẳng đang gia tăng" trong khu vực và Mỹ "phải làm mọi việc có thể để tình hình không leo thang nhưng phải đảm bảo an toàn cho nhân sự của Mỹ trong khu vực."

Theo bà Pelosi, chưa rõ vụ việc trên có phải là hành động tấn công có chủ đích hay không, song "bất kể đó là gì thì cũng do Iran thực hiện."

Bà Pelosi đưa ra phát biểu trên sau khi Nhà Trắng mời các lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện cũng như lãnh đạo các đảng Cộng hòa và Dân chủ, lãnh đạo Cơ quan tình báo Thượng viện và Hạ viện, lãnh đạo các ủy ban quân đội họp với Tổng thống Trump ngay sau khi xảy ra sự việc trên.

Tham gia cuộc họp còn có Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) Gina Haspel; Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Tướng Joseph Dunford; Ngoại trưởng Mike Pompeo; Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan và Bộ trưởng Lục quân Mark Esper.

Theo Chủ tịch Hạ viện Pelosi, tại cuộc họp ngày 20/6, các lãnh đạo đảng Dân chủ đã nói rõ với Tổng thống Donald Trump rằng Nhà Trắng cần sự cho phép của Quốc hội trước khi phát động hành động quân sự chống Iran.

[Iran: Mỹ nói dối về việc máy bay bị bắn hạ ở vùng biển quốc tế]

Trong một diễn biến liên quan, báo The New York Times ngày 20/6 đưa tin Tổng thống Trump đã đồng ý thực hiện một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran để đáp trả vụ Tehran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ, tuy nhiên, sau đó ông đã rút lại quyết định này.

Báo trên dẫn lời các quan chức chính quyền Mỹ cho biết ông Trump lúc đầu đã chấp thuận tấn công một số mục tiêu như radar, các khẩu đội tên lửa của Iran. Các máy bay đã xuất kích, tàu chiến đã vào vị trí, nhưng không có tên lửa nào của Mỹ được bắn ra vì đã có lệnh dỡ bỏ báo động.

Trước đó cùng ngày, hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran tuyên bố Lực lượng Vệ binh Cách mạng nước này đã bắn hạ một máy bay do thám không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ khi máy bay này vào không phận của Iran gần khu vực Kouhmobarak ở miền Nam.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ Bill Urban khẳng định chiếc máy bay do thám đã bị hệ thống tên lửa đất đối không của Iran "vô cớ bắn hạ khi đang ở trong không phận quốc tế."

Vụ viêc được xem như "đổ thêm dầu vào lửa," trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Iran và Mỹ xuất phát từ quyết định của Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết giữa Tehran với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc gia Hồi giáo này.

Quan ngại về một cuộc đối đầu quân sự giữa hai nước leo thang sau khi Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ hai tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản bị tấn công ở Vịnh Oman hôm 13/6 vừa qua. Tehran đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc liên quan vụ việc này. Trong khi đó, Mỹ thông báo điều thêm 1.000 quân tới Trung Đông nhằm gây sức ép đối với Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.