Trang mạng The Conversation (Australia) ngày 16/4 đăng bài viết của hai tác giả gồm Giáo sư Kathy Kiely thuộc Trung tâm nghiên cứu báo chí tự do và Phó Giáo sư Lee Hills thuộc Đại học Northeastern (Mỹ), trong đó phân tích sự khác biệt giữa vụ Julian Assange, người sáng lập ra trang mạng WikiLeaks và nghề báo.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Ngày nay, bất kỳ ai có kết nối Internet đều có thể trở thành một nhà xuất bản. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ai cũng là nhà báo.
Sự khác biệt này đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết qua hai sự kiện mới xảy ra gần đây. Một là vụ bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange. Sự kiện kia là việc các nhà lập pháp của Gruzia đề xuất một đạo luật về “đạo đức trong báo chí” đặt ra những yêu cầu mới khó khăn và các hình thức xử phạt dân sự đối với các nhà báo.
Ngay sau khi xuất hiện thông tin về khả năng Assange bị dẫn độ đến Mỹ để xét xử vì tội âm mưu truy cập vào máy tính của Lầu Năm Góc, những người ủng hộ ông đã bắt đầu chiến dịch tung hô ông như là kẻ tử đạo cho “quyền lực thứ tư.”
Glenn Greenwald, biên tập viên của báo mạng Intercept kêu gọi các nhà báo trên thế giới lên tiếng bảo vệ Assange. Edward Snowden, một người đang phải lẩn trốn khác do tiết lộ bí mật của chính phủ Mỹ, viết trên Twitter rằng vụ bắt giữ Assange đánh dấu “một ngày đen tối của tự do báo chí.”
Tuy nhiên, việc trao tư cách nhà báo cho Assange là rất có vấn đề. Nó có khả năng gây thêm nhiều công kích vào tự do báo chí, ví dụ như việc các nhà lập pháp Gruzia sẽ lấy lý do này để xử phạt và tẩy chay các nhà báo viết những tin bài mà họ không thích.
Tiêu chuẩn tạo nên sự khác biệt cho nghề báo
Như Trung tâm nghiên cứu Pew đã chỉ ra, nghề báo là nghề có nguy cơ bị diệt chủng, một phần bởi vì cuộc cách mạng kỹ thuật số khiến các tòa soạn mất đi khoản thu nhập từ quảng cáo.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Hiệp hội The Knight Foundation hồi tháng 9/2018, bên cạnh những khó khăn về tài chính, nghề báo còn đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng uy tín.
Báo cáo có đoạn: “Hầu hết những người trưởng thành ở Mỹ, bao gồm 9 trên 10 người đảng Cộng hòa, nói rằng họ đã mất niềm tin vào các phương tiện truyền thông trong những năm gần đây.”
Có khá nhiều nguyên nhân cho việc này, nhưng chắc chắn có một nguyên nhân là ngày càng có thêm nhiều người Mỹ nhận được tin tức từ các phương tiện truyền thông xã hội mà không phân biệt được đâu là tin báo chí và đâu là thông tin giả được tung lên ngày càng nhiều trên Facebook, khiến cho trang mạng xã hội này không xoay sở kịp trong việc kiểm soát chúng.
Các nhà báo chuyên nghiệp đã nhận thức được ngày càng rõ hơn về sự cần thiết phải ủng hộ và bảo đảm duy trì các tiêu chuẩn giúp phân biệt họ với những người chỉ biết đưa thông tin lên mạng.
Các nhà báo của tờ New York Times đã làm được điều này vào năm 2010 khi đăng tải các tin bài dựa trên các tài liệu trên trang mạng WikiLeaks.
[Một thập kỷ rò rỉ thông tin mật của Mỹ]
Các biên tập viên của tờ báo đã đăng hẳn lời giải thích tại sao việc đăng tải các tin bài đó là vì lợi ích chung, cách thức tờ báo đã tạo cơ hội cho các quan chức chính phủ giải đáp các thông tin trước khi xuất bản, và cách thức tờ báo biên tập các thông tin “có khả năng gây nguy hiểm cho những người cung cấp thông tin không muốn tiết lộ danh tính hoặc có khả năng gây tổn hại cho an ninh quốc gia.”
Tờ báo còn nói họ đã chia sẻ lý do và cách thức biên tập với trang mạng WikiLeaks với hy vọng rằng trang mạng này sẽ biên tập các tài liệu của mình theo cách tương tự, nhưng tất cả đều bị Assange bỏ ngoài tai.
Nhà sáng lập Wikileaks đã không tuân theo các nghiệp vụ báo chí hay đạo đức nghề báo khi tung ra các dữ liệu trong những lần tiếp theo.
Khi đăng các email của các nhân viên của Ủy ban Quốc gia Dân chủ và chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton hồi năm 2016, WikiLeaks đưa cả địa chỉ nhà, địa chỉ email, số thẻ tín dụng, an sinh xã hội và số hộ chiếu và cả các chi tiết về một vụ tự tử của một nhân viên.
Xứng đáng được hưởng đặc ân
Khi đề nghị các nhà báo không bị truy tố vì tiết lộ thông tin mật hoặc từ chối tiết lộ nguồn tin mật cho nhà chức trách, báo chí đang tìm kiếm một đặc quyền theo cả nghĩa đen và pháp lý của thuật ngữ này.
Sẽ không còn là một đặc quyền nếu ai cũng có nó. Phải có điều gì đó đặc biệt về những gì các nhà báo làm, và họ làm thế nào và tại sao họ làm điều đó, những việc khiến họ xứng đáng nhận được một đặc quyền mà những người khác không thể có.
Cho đến nay, các cáo buộc đối với Assange chỉ là âm mưu truy cập trái phép vào mạng máy tính của Lầu Năm Góc. Như Gabe Rottman thuộc Ủy ban Tự do báo chí viết: “Đó không phải là thứ mà một luật sư báo chí khuyên các phóng viên làm.”
Phân tích của Rottman cũng đưa ra một lưu ý khác đối với các phóng viên dữ liệu: Đạo luật Lừa đảo và Lạm dụng Máy tính năm 1984, được áp dụng trong bản cáo trạng đối với Assange, nếu được giải thích theo nghĩa rộng, có thể sẽ gây nguy hiểm cho các nhà báo (hoặc các thành viên khác của công chúng, chẳng hạn như các học giả), những người sử dụng lập trình máy tính để thu thập thông tin từ các trang web của chính phủ.
Nhưng đó không phải là vấn đề ở đây.Đáng chú ý, Assange không bị buộc tội xuất bản trên WikiLeaks các tài liệu thu được theo kiểu tin tặc. Từ lâu đã có nhiều quy pháp về bảo vệ người công bố thông tin, nhưng hoàn toàn không phải là bảo vệ cho những người cố tình truy cập vào thông tin hoặc trụ sở của chính phủ và cho những kẻ đánh cắp thông tin.
Cách tốt nhất để các tổ chức báo chí và tự do báo chí đảm bảo vụ Assange không đặt ra một tiền lệ cho việc can thiệp vào quyền của công chúng được tiếp cận thông tin quan trọng - ngay cả thông tin mà chính phủ không muốn tiết lộ - là chấp nhận việc đưa vụ việc này ra tòa.
Nỗ lực của các ban biên tập đưa Assange thành một biểu tượng của tự do báo chí sẽ chỉ tạo lý do cho các nhà lập pháp đẩy mạnh các đề xuất như thành lập hội đồng xét duyệt báo chí. Rất may, điều này đã không xảy ra khi cơ quan lập pháp Gruzia đã hoãn không thông qua đề xuất này.
Các nhà báo hoàn toàn có lý do khi lo ngại rằng sẽ có thêm những đề xuất nhằm tấn công vào họ như vậy. Để tránh được điều này, các nhà báo cần giúp độc giả hiểu và đánh giá cao các tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức tạo ra sự khác biệt giữa các nhà báo thực sự với những người chỉ truyền bá thông tin đơn thuần.
Trong thời đại kỹ thuật số, có rất nhiều người truyền bá thông tin, nhưng chỉ các nhà báo mới là những người cần được bảo vệ./.