Sáng 20/12, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) được chuyển sang phần tranh luận.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với 14 bị cáo trong vụ án.
Trong số đó, bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) bị Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án tử hình.
Phân hóa vai trò để quyết định hình phạt
Để quyết định hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội và đặc điểm nhân thân của từng bị cáo, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã phân hóa vai trò đồng phạm các bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội.
Đồng thời, Viện Kiểm sát cũng đã căn cứ vào số lượng tiền các bị cáo nhận hối lộ và số tiền các bị cáo đã nộp lại, sự ăn năn hối cải của các bị cáo để quyết định mức hình phạt đối với từng bị cáo nhằm đảm bảo sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật nhưng cũng thể hiện sự nhân văn, khoan hồng của pháp luật nhằm giáo dục đối với các bị cáo và cũng là sự răn đe, phòng ngừa chung trong toàn xã hội.
Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt: Bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) từ 16 đến 18 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng,” tử hình về tội “Nhận hối lộ.” Buộc bị cáo Nguyễn Bắc Son phải chấp hành hình phạt chung cho cả 2 tội là tử hình.
[Bị cáo Nguyễn Bắc Son lại đổi lời khai: Thừa nhận đã cầm 3 triệu USD]
Bị cáo Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) từ 6 năm đến 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng,” từ 8 năm đến 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ.” Buộc bị cáo Trương Minh Tuấn phải chấp hành hình phạt chung cho cả 2 tội là 14 đến 16 năm tù.
Bị cáo Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone) từ 7 năm đến 8 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng,” từ 16 năm đến 17 năm tù về tội “Nhận hối lộ.” Buộc bị cáo Lê Nam Trà phải chấp hành hình phạt chung cho cả 2 tội là từ 23 năm đến 25 năm tù.
Bị cáo Cao Duy Hải (nguyên Tổng Giám đốc MobiFone) từ 4 năm đến 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng,” từ 10 năm đến 11 năm tù về tội “Nhận hối lộ.” Buộc bị cáo Cao Duy Hải phải chấp hành hình phạt chung cho cả 2 tội là 14 năm đến 16 năm tù.
Đối với nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng,” Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với bị cáo Phạm Đình Trọng (nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông) từ 5 năm đến 6 năm tù. Bị cáo Phan Thị Hoa Mai (thành viên Hội đồng thành viên MobiFone) từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù.
Các bị cáo Hồ Tuấn (nguyên thành viên Hội đồng thành viên MobiFone), Phạm Thị Phương Anh (nguyên Phó Tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Phó Tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Bảo Long (nguyên Phó Tổng giám đốc MobiFone) cùng bị Viện Kiểm sát đề nghị từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên (nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone) từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù. Bị cáo Võ Văn Mạnh (nguyên Giám đốc, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX) từ 4 năm đến 5 năm tù.
Bị cáo Hoàng Duy Quang (nguyên thẩm định viên, Giám đốc Chi nhánh phía Bắc, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX) từ 3 năm đến 4 năm tù.
Bị cáo Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) từ 3 năm đến 4 năm tù về tội “Đưa hối lộ.”
Về xử lý tài sản trực tiếp liên quan đến tội phạm, Viện Kiểm sát đề nghị tịch thu sung công quỹ nhà nước số tiền hơn 68 tỷ đồng mà các bị cáo, gia đình bị cáo đã nộp cho cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả (sau khi trả lại số tiền do gia đình bị cáo Lê Nam Trà và Cao Duy Hải nộp thừa); tiếp tục kê biên tài sản để đảm bảo việc thi hành án đối với nhà đất tại số 14, ngõ 36C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đứng tên chủ sở hữu là bị cáo Nguyễn Bắc Son và vợ.
Đối với nhà đất tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, đứng tên chủ sở hữu là bị cáo Trương Minh Tuấn và vợ, đến nay gia đình bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ nên cần giải tỏa kê biên căn nhà của vợ chồng bị cáo Trương Minh Tuấn.
Tiếp tục phong tỏa số tiền có trong tài khoản và sổ tiết kiệm của các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà mà Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã phong tỏa để đảm bảo việc thi hành án.
Ngoài ra, Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử quyết định hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ 1 năm đến 3 năm đối với các bị cáo: Lê Nam Trà, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Phạm Đình Trọng, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang theo quy định của pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son chưa thực sự ăn năn hối lỗi
Với chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Bắc Son là người có chức vụ, quyền hạn cao nhất ở Bộ Thông tin và Truyền thông đồng thời là cơ quan đại diện vốn nhà nước tại MobiFone, bị cáo có vai trò quyết định trong việc triển khai thực hiện dự án để MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.
Xuất phát từ động cơ tư lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật bị cáo đã có hành vi định hướng chỉ đạo quyết liệt cấp dưới tại MobiFone và các thành viên chủ chốt tại MobiFone yêu cầu các nhân viên dưới quyền thực hiện các hành vi sai phạm trong việc mua cổ phần của AVG, đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG, sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán mua cổ phần AVG, trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư ngay trong năm 2015 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.
Sau khi MobiFone chuyển tiền mua cổ phần cho AVG, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nhận từ Phạm Nhật Vũ số tiền 3 triệu USD.
Trong Dự án này bị cáo Nguyễn Bắc Son giữ vai trò đứng đầu, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình thực hiện Dự án, việc chỉ đạo của bị cáo mang tính quyết liệt buộc cấp dưới phải chấp hành và là người chịu trách nhiệm chính về hậu quả đã xảy ra cho Nhà nước và xã hội.
Bị cáo cũng là người hưởng lợi cao nhất so với các bị cáo khác từ thương vụ mua bán trái pháp luật này với số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn.
Do vậy, bị cáo Nguyễn Bắc Son là người chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu trong số các bị cáo đã được phát hiện, khởi tố và truy tố. Vì vậy, hình phạt áp dụng đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son về cả hai tội phải thật nghiêm khắc và cao nhất so với các bị cáo đồng phạm, như vậy mới có tác dụng giáo dục đối với bị cáo và phòng ngừa chung.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, trong quá trình công tác và tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước, bị cáo Nguyễn Bắc Son có nhiều thành tích, đóng góp được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy chương Giải phóng, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Bằng khen của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Độc lập hạng Nhì...
Tuy nhiên, với những thành tích đóng góp của bị cáo như trên, cùng với cương vị là một người đứng đầu một trong những bộ quan trọng của đất nước, lẽ ra bị cáo phải là một tấm gương về đạo đức sự trung thực, tận tâm, phục vụ đất nước và nhân dân, nhưng vì hám lợi vật chất đã tha hóa và có những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng gây tổn hại đến uy tín của những người cán bộ chân chính.
Trong quá trình điều tra, bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội, thừa nhận vai trò của mình. Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo tự mình phủ nhận, sau lại thừa nhận một phần. Điều này cho thấy bị cáo chưa thực sự ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội của mình; chưa thấy rõ trách nhiệm, vai trò của mình đối với hậu quả của vụ án và với các bị cáo là cấp dưới; số tiền chiếm đoạt 3 triệu USD chưa được nộp lại.
Do đó, mặc dù bị cáo Nguyễn Bắc Son có những tình tiết giảm nhẹ như trên nhưng chừng đó là chưa đủ để bị cáo được hưởng một mức án khoan hồng mà cần có một hình phạt thật nghiêm khắc để xử lý bị cáo và phòng ngừa chung.
Động cơ tư lợi bản thân của các bị cáo
Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, do các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người có chức vụ cao, giữ cương vị quan trọng trong cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp nhà nước nhưng không giữ được phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh, kỷ luật và vì những động cơ cá nhân, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao thực hiện các hành vi sai phạm nghiêm trọng trong việc sử dụng vốn nhà nước để mua bán cổ phần gây thiệt hại đặc biệt lớn cho tài sản của nhà nước.
Hành vi phạm tội của các bị cáo xâm hại đến sự đúng đắn, liêm chính của công tác và trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước, xâm hại nghiêm trọng đến uy tín đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy quản lý nhà nước nói chung và quản lý doanh nghiệp nhà nước nói riêng, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân về hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp nhà nước, đã tạo ra dư luận xấu trong xã hội.
Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh hành vi phạm tội của các bị cáo là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, một phần của tệ nạn tham nhũng, thể hiện lợi ích cục bộ của cá nhân và doanh nghiệp, hậu quả của hành vi phạm tội không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động rất xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm sút niềm tin của nhân dân.
Việc đưa vụ án này ra xét xử tiếp tục là một minh chứng khẳng định quan điểm, sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể đối tượng đó là ai, giữ cương vị nào, nhằm loại trừ các hiện tượng tham nhũng cũng như tội phạm tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Đối với các bị cáo Phạm Đình Trọng, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Manh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, trong quá trình thực hiện dự án các bị cáo này biết rõ hành vi vi phạm luật của bị cáo Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà nhưng vì lợi ích cục bộ của cá nhân và doanh nghiệp nên vẫn đồng tình giúp sức cho hành vi phạm tội. Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang đã giúp sức cho các bị can ở MobiFone thực hiện hành vi phạm tội.
Các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải là những người có chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm cao trong việc quản lý tài sản, điều hành các doanh nghiệp lớn; là những cán bộ đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, có quá trình rèn luyện, phấn đấu để đạt thành tích trong công tác, nhưng vì tư lợi của bản thân, không vượt qua sự cám dỗ của lợi ích vật chất, đã vi phạm pháp luật trong quản lý, đầu tư, sử dụng tài sản nhà nước và đã được nhận số tiền đặc biệt lớn.
Đối với Phạm Nhật Vũ, trước khi khởi tố vụ án, bị cáo Vũ đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho MobiFone và chi phí phát sinh liên quan đến dự án.
Phạm Nhật Vũ đã tự thú về hành vi đưa hối lộ; tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo khác. Trong quá trình vụ án được điều tra Phạm Nhật Vũ nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội, lập công chuộc tội, tích cực khai báo và hợp tác với các cơ quan pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án.
Ngoài ra, bị cáo Phạm Nhật Vũ có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam… Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam của các tỉnh, thành phố và Đại sứ quán Nga tại Việt Nam có đơn đề nghị xem xét cho Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Vì vậy, theo Viện Kiểm sát, cần áp dụng nguyên tắc xử lý khoan hồng đối với bị cáo Vũ để xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Sau khi đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị án đối với các bị cáo, các bị cáo và các luật sư tham gia đối đáp với quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát.