Theo giới phân tích, vụ tấn công liều chết "kiểu Paris" ở thủ đô Jakarta của Indonesia đã xác nhận mối lo ngại lớn nhất của chính phủ các nước Đông Nam Á, đó là những công dân chiến đấu trong hàng ngũ nhóm IS tự xưng ở Trung Đông có thể trở về tiến hành các cuộc tấn công tại quê nhà.
Kumar Ramakrishna, chuyên gia về các nhóm phiến quân Đông Nam Á tại Đại học Công nghệ Nam Dương của Singapore, cho biết IS muốn thành lập một tỉnh trong khu vực này, và có một số nhóm trong khu vực đã thề trung thành với IS.
Mối đe dọa từ những chiến binh Đông Nam Á trở về sau khi bị cực đoan hóa ở Iraq, Syria cũng là một yếu tố đáng quan ngại khác, cùng với đó là khả năng xuất hiện những đối tượng 'sói đơn độc' cực đoan.
Soufan Group, cơ quan tư vấn an ninh có trụ sở ở New York, ước tính có từ 500-700 công dân Indonesia ra nước ngoài để gia nhập IS ở Syria và Iraq, và rất nhiều trong số này đã trở về quê nhà.
Chuyên gia về khủng bố khu vực Đông Nam Á Rohan Gunaratna kêu gọi các chính phủ trong khu vực cần phải phối hợp với nhau để ngăn chặn việc thành lập một khu vực vệ tinh của IS vì nếu một khu vực như vậy được thành lập, mối đe dọa tại Đông Nam Á sẽ lớn hơn.
Theo thông báo của nhà chức trách Indonesia, vào trưa ngày 14/1 có 7 vụ đánh bom liên hoàn tại trung tâm thương mại Sarinah và một cuộc đọ súng bên ngoài một quán cà phê Starbucks đối diện với trung tâm thương mại này, làm ít nhất 7 người thiệt mạng, trong đó có 5 kẻ khủng bố, và 20 người bị thương (trong đó có một người Algeria, một người Áo, một người Đức và một người Hà Lan đang trong tình trạng nguy kịch.
Phía Indonesia cho biết trong hai nạn nhân thiệt mạng có một người Canada và một người dân Indonesia.
Phản ứng trước loạt vụ tấn công khủng bố gây chấn động tại Jakarta, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 14/1 tuyên bố Washington lên án vụ tấn công tại Indonesia mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố thực hiện.
Ông Kerry khẳng định: “Các hành động khủng bố chỉ dẫn đến sự chết chóc và tàn phá. Tất cả chúng ta sẽ cùng đứng lên và đoàn kết để tiêu diệt những kẻ lựa chọn con đường khủng bố.”
Cùng ngày, Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta thông báo sẽ vẫn đóng cửa trong ngày 15/1 như một biện pháp đề phòng sau vụ tấn công trên, nhưng cơ quan này vẫn sẽ cung cấp các dịch vụ khẩn cấp.
Một tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh “có khả năng xảy ra các vụ tấn công tiếp theo. Các công dân Mỹ được khyến cáo tránh xa khách sạn Sari Pan và Trung tâm thương mại Sarinah, cũng như hoãn tất cả các chuyến đi không cần thiết đến thành phố này.”
Cùng ngày, Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders đã lên án mạnh mẽ các vụ khủng bố tại Jakarta, đồng thời gửi lời chia buồn tới người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi và đề nghị hỗ trợ Indonesia trong trường hợp nước này cần tới.
Ngay sau khi xảy ra các vụ tấn công, Đại sứ quán Hà Lan tại Jakarta đã cảnh báo công dân Hà Lan tại khu vực này không nên đi ra ngoài./.