Những người sáng tạo nội dung trực tuyến trên nền tảng Facebook, YouTube, TikTok (gọi là streamer, YouTuber, Tik Toker…) chưa được chính thức xem là một ngành nghề, nên hiện nay chưa có quy định, quản lý hay đào tạo nghề cho phù hợp. Thực tế, những người hoạt động trên mạng xã hội nói trên sở hữu một lượng người theo dõi khổng lồ, đem về cho họ lợi nhuận hàng trăm triệu mỗi tháng.
Công cụ YouTube Analytics dễ dàng giúp người dùng theo dõi nguồn thu đến từ lượng theo dõi, quảng cáo, tính năng hội viên… Càng có nhiều người theo dõi thì sức ảnh hưởng của những chủ kênh càng tăng, đi đôi với trách nhiệm cộng đồng cũng phải tăng theo. Thế nhưng, việc quản lý, định hướng hoạt động của những kênh thông tin này hiện vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn.
Công tác quản lý mạng xã hội: Tích cực nhưng còn nhiều cản trở
Ngay từ khi sự việc kênh YouTube Thơ Nguyễn tung clip “xin vía búp bê để học giỏi,” Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin-Truyền thông) đã phối hợp với các bên liên quan, yêu cầu TikTok và YouTube chặn, gỡ các clip có dấu hiệu vi phạm. Trong vòng 24 giờ, các clip đã bị xóa bỏ.
[Từ vụ trẻ tiếp cận clip độc hại: Phải vẽ đường cho hươu chạy... đúng]
Cục cũng liên hệ với Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Bình Dương (nơi cư trú của chủ kênh Thơ Nguyễn) để tiếp tục xử lý vụ việc. Giám đốc Sở, ông Lai Xuân Thành cho biết đã cử thanh tra liên hệ với đại diện kênh YouTube Thơ Nguyễn và sẽ thông tin rộng rãi tới báo chí.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, khẳng định Bộ Thông tin Truyền thông cùng Bộ Công an có đủ khả năng và công cụ xử lý vi phạm trong lĩnh vực mà cục đang quản lý. Điển hình vừa qua có gần 1.000 trường hợp tung tin giả đã bị tìm ra và xử lý nghiêm. Vì thế, các YouTuber hoạt động cá nhân, không đăng ký, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn có thể kiểm soát và xử lý nếu có sai phạm.
Để quản lý và giữ cho môi trường internet được trong sạch ở mức tối ưu, ông Hoàng Viết Tiến, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam khẳng định chính sách của Việt Nam đã đáp ứng được. Các đơn vị quản lý như Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Báo chí... đã và đang có những chế tài phù hợp, các cơ quan nhà nước đã và đang làm tốt việc quản lý nội dung trong nước. Còn đối với các nội dung nước ngoài không phù hợp, các cơ quan, đơn vị quản lý của Việt Nam đã gửi khuyến cáo đề nghị gỡ bỏ.
“Trong trường hợp gần đây nhất của Thơ Nguyễn thì Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã yêu cầu YouTube gỡ nội dung vi phạm liên quan đến tài khoản Thơ Nguyễn. Các nội dung vi phạm tương tự ở TikTok của Thơ Nguyễn cũng đã bị gỡ bỏ, tài khoản này đã phải tạm dừng hoạt động,” ông cho biết.
Trước khối lượng thông tin và nội dung khổng lồ và đa dạng, ông Hoàng Viết Tiến cũng đưa ra lời khuyên người sử dụng Internet cần sẵn sàng bảo vệ chính mình, gia đình và người thân song song với những nỗ lực quản lý của các cơ quan chức năng.
Pháp lý cần cải tiến theo đà phát triển
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thành Nam, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Từ diễn đàn kinh tế 2016, người ta dự đoán sẽ có nhiều ngành nghề đang mất đi và những nghề mới đang sinh ra, trong đó có công việc sáng tạo nội dung như streamer, Youtuber... Trên thế giới và cả ở Việt Nam đã có rất nhiều người kiếm tiền từ công việc này, đã thành danh và trở nên giàu có.”
[Canh cánh nỗi lo con trẻ bị 'đầu độc,' phơi bày mặt trái mạng xã hội]
Tuy nhiên, ông cho rằng các chính sách về luật của chúng ta đang đi sau hiện trạng xã hội. Ông đề xuất Việt Nam cần sớm bổ sung và công nhận ngành nghề này để có quy tắc ứng xử, quy định, quản lý. Thậm chí là phải có đào tạo bài bản để người làm nghề được trang bị kiến thức, biết cách không gây hại cho cộng đồng.
Tiến sỹ Nam khẳng định việc làm ra những nội dung “sốc-sex-sến” để kích thích sự tò mò sẽ gây “ngộ độc tinh thần” giống như việc ăn thực phẩm bẩn gây ngộ độc thực phẩm, nếu không xảy ra vấn đề gì ngay lập tức thì cũng sẽ ủ bệnh đến mức mắc ung thư.
Các công ty công nghệ lớn như Youtube, Google, Facebook… đều có lực lượng duyệt nội dung bằng sức người và sức máy. Tuy nhiên dù hoạt động cường độ cao tới đâu cũng khó để giữ tuyệt đối an toàn nội dung.
Từ quan sát của ông, Internet hiện nay vẫn có những bộ phim trẻ em còn bị lồng ghép rất khéo các tư tưởng xấu, đòi hỏi phải có chuyên gia kiểm duyệt chứ AI (trí tuệ nhân tạo) sàng lọc thì khả năng bỏ sót rất nhiều. Nhân lực trong công tác quản lý, kiểm duyệt luôn luôn không đủ trước lượng thông tin khổng lồ trên mạng hiện nay.
“Những người làm công việc sàng lọc nội dung này nhận được trợ cấp vì phải tiếp xúc liên tục với thông điệp, nội dung tiêu cực. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh lại để con mình mặc nhiên tiếp cận nội dung như thế,” ông trăn trở.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, phó trưởng phòng Tranh Tụng, Công ty Luật TGS (Đoàn Luật Sư Hà Nội) cho rằng để ngăn chặn hành vi tuyên truyền nội dung không lành mạnh, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc nhằm trục lợi bất chính, cơ quan chức năng cần sớm có các quy định chi tiết, cụ thể về vấn đề này, đặc biệt là chế tài xử lý đối với các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan.
“Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành liên quan cần có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc nghiên cứu, xử lý các video có nội dung nhảm nhí, xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Từ đó việc kiểm soát các nội dung xấu độc trên mạng xã hội sẽ được hạn chế,” luật sư Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng cá nhân sử dụng mạng xã hội tuyên truyền nội dung có hại như trường hợp của chủ tài khoản Thơ Nguyễn có dấu hiệu vi phạm Luật An ninh mạng 2018 và Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cụ thể, việc sử dụng mạng xã hội để cung cấp, phát tán, chia sẻ nội dung không lành mạnh, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, thông tin mê tín sẽ bị phạt 10 đến 20 triệu đồng theo Điểm b Khoản 1 Điều 101 của Nghị định này. Ngoài ra, người vi phạm buộc phải gỡ bỏ những hình ảnh và video trái pháp luật nêu trên.
“Khi xem các nội dung trên trang mạng xã hội nếu phát hiện những video, hình ảnh không lành mạnh, nhảm nhí, trái với thuần phong mỹ tục người dùng có thể dùng tính năng báo cáo vi phạm trên các nền tảng đó để tố cáo các tài khoản vi phạm,” ông nói thêm.
Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, ông cho biết bản thân có sử dụng ứng dụng YouTube Kids và tự tạo lập danh sách các video muốn cho con xem để hạn chế các video độc hại tự đề xuất và vô hiệu hoá tính năng gợi ý các video trên các kênh đó.
“Mạng xã hội là tốt nhưng không thể thay thế được trách nhiệm của bố mẹ. Người lớn phải có trách nhiệm dẫn dắt, định hướng cho trẻ, không để mạng xã hội làm việc đó thay chúng ta,” luật sư nêu ý kiến.
Khi những điều tốt đẹp lan tỏa, cái xấu sẽ bị đẩy lùi
Bên cạnh đề xuất đưa ra chế tài mạnh dưới góc độ pháp luật để quản lý nội dung trên không gian mạng, các chuyên gia cho rằng cần ngăn chặn cái xấu từ gốc rễ, có nghĩa là chính các chủ kênh thông tin trên mạng cần có cam kết về nội dung để nâng cao trách nhiệm với xã hội. Đồng thời, các nhà truyền thông mạng cũng cần được trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng để hướng tới sản xuất video lành mạnh.
Khi những thông tin tốt đẹp được lan tỏa và yêu thích, sẽ không còn chỗ cho những thứ độc hại trôi nổi nữa. Nếu bắt gặp những nội dung xấu, người dùng ngay lập tức báo cáo với đội ngũ quản trị mạng và cơ quan chức năng. Dần dần, sự chung tay của cộng đồng sẽ thanh lọc môi trường mạng.
“Các nhà chức trách luôn nhanh nhạy hơn gia đình hay nhà trường trong công tác quản lý. Họ có ‘vũ khí’ trong tay để đảm đương trọng trách đó, nhưng họ cũng cần chúng ta giúp làm ‘tai mắt’ cho họ. Càng nhiều ‘tai mắt’ họ sẽ càng làm tốt hơn công việc của họ. Thậm chí, những cơ quan đó cần xây dựng những nguồn tiếp nhận thông tin, giúp người dân có thể liên hệ báo cáo nội dung xấu nhanh hơn nữa,” nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú đề xuất.
“Bên cạnh đó, hãy tạo ra thêm nhiều nữa những điều tốt đẹp dành cho trẻ, từ mỗi người lớn của chúng ta,” anh khẳng định.
Trong tương lai khi những nội dung tích cực xuất hiện nhiều hơn, thì những kênh như Thơ Nguyễn sẽ không còn đất sống, chị Linh Phan, chuyên gia tư vấn cho phụ huynh, tác giả nhiều cuốn sách về tâm lý trẻ em, cho biết.
Chị cho rằng cần tạo ra một bầu không khí lành mạnh cho trẻ em ở bất cứ đâu. Bố mẹ cần ngồi xem cùng với trẻ bất cứ khi nào có thể.
“Nếu bạn cho phép con được xem YouTube, tốt nhất là ngồi xuống xem cùng hoặc chơi trò chơi cùng để giúp con hiểu những gì con đang xem. Nhận xét những điều bạn thấy, đặt câu hỏi về những gì đang xảy ra, nếu đó là một bài hát, hãy hát cùng con bạn. Tương tác và lặp lại các khái niệm khi chương trình kết thúc để con ghi nhớ các thông tin đó,” chị Linh Phan chia sẻ về cách tiếp nhận thông tin trên mạng một cách tích cực và lành mạnh.../.