Vụ xả súng ở Milan: Vì sao thủ phạm có thể mang súng vào tòa?

Hãng tin ANSA cho biết, người ta đang tiến hành điều tra việc làm cách nào mà Giardiello có thể mang được súng qua máy dò kim loại ở cổng tòa án.
Claudio Giardiello. kẻ gây ra vụ xả súng ở Tòa án Milan. (Nguồn: ANSA)

Phóng viên TTXVN tại Italy dẫn các nguồn tin cảnh sát nước này hôm 9/4 cho hay, kẻ xả súng làm bốn người chết và hai người bị thương trong một phiên tòa ở Milan, miền Bắc Italy, đã bị bắt sau hơn một tiếng lẩn trốn.

Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano đã xác nhận tin này trên truyền hình Italy.

Cảnh sát cho biết, doanh nhân Claudio Giardiello, bị buộc tội gian lận trong phá sản, đã bất ngờ rút súng và nã 4 đến 5 phát đạn vào những người dự phiên tòa xử ông ta ở Tòa án thành phố Milan, làm chết một luật sư và làm bị thương nặng một người khác.

Sau đó, Giardiello đã bỏ chạy khỏi phòng xét xử, tìm đến phòng của ông Fernando Ciampi, thẩm phán của tòa phá sản, bắn chết ông này và trốn trong tòa nhà khoảng một tiếng đồng hồ, trước khi thoát khỏi tòa án bằng môtô.

Giardiello sau đó đã bị bắt ở ngoại ô Milan, cách nơi hắn đã gây ra vụ thảm sát 30 km.

Tại hiện trường, cảnh sát phát hiện thêm xác của một người nữa. Hiện lực lượng cấp cứu không loại trừ khả năng người này đã chết vì đau tim khi chứng kiến vụ xả súng.

Trong số hai người bị thương nặng, một người sau đó đã chết trong bệnh viện. Cả hai đều là họ hàng của Giardiello và cũng là những người bị xét xử trong vụ gian lận phá sản này.

Vụ xả súng xảy ra vào khoảng 11 giờ địa phương (10 giờ GMT sáng 9/4), khi trong phiên toà có khoảng 30 người.

Cảnh sát đã ngay lập tức phong tỏa Tòa án Milan, sơ tán tất cả những người đang có mặt, đồng thời tiến hành vây bắt kẻ thủ phạm, nhưng vẫn để hắn lẩn trốn.

Vụ việc đã gây ra hoảng loạn ở khu vực này, đồng thời đặt ra những câu hỏi về kiểm tra an ninh tại các cơ quan tư pháp của Italy có đủ hiệu quả và tin cậy hay không.

Hãng tin ANSA cho biết, người ta đang tiến hành điều tra việc làm cách nào mà Giardiello có thể mang được súng qua máy dò kim loại ở cổng tòa án.

Nhưng nhiều khả năng, ông ta đã cùng với luật sư của mình vào Tòa án Milan theo cổng dành riêng cho luật sư và chỉ bị kiểm tra giấy tờ tùy thân.

Chủ tịch vùng Lombardia Roberto Maroni cho rằng, việc để bất cứ ai cũng có thể mang vũ khí vào Tòa án Milan là điều "không thể hiểu nổi."

Ông Maroni cùng với Bộ trưởng Nội vụ Alfano và thị trưởng Milan Giuliano Pisapia đang họp về việc bảo vệ an ninh cho Triển lãm thế giới EXPO 2015 dự kiến sẽ khai mạc ở Milan vào ngày 1/5 và sự kiện mang tầm thế giới này sẽ kéo dài trong 6 tháng, được dự báo sẽ có hơn 20 triệu lượt khách trong nước và quốc tế viếng thăm.

Sự việc này đã làm dấy lên những nỗi lo ngại về an ninh an toàn trong dịp EXPO, khi mối quan ngại chính của nước chủ nhà là nguy cơ khủng bố.

Hạ viện Italy đã dừng họp vào buổi sáng hôm 9/4 để dành một phút làm lễ mặc niệm cho các nạn nhân của vụ xả súng ở Tòa án Milan.

Chủ tịch Hạ viện Italy, bà Laura Boldrini, đã khẳng định rằng, đây là một vụ việc "nghiêm trọng", có thể gây ra "lo ngại" về tình hình an ninh của đất nước, đồng thời yêu cầu các cơ quan hữu quan nhanh chóng điều tra về nguyên nhân của vụ việc và biện pháp để ngăn chặn các vụ tiếp theo có khả năng xảy ra.

Hiệp hội thẩm phán quốc gia Italy (ANM), tổ chức đại diện cho quyền lợi của các thẩm phán, đã ra tuyên bố, nghề thẩm phán đang ngày càng trở thành một nghề nguy hiểm ở Italy.

Giardiello, năm nay 57 tuổi, làm chủ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng.

Do khủng hoảng kinh tế, Giardiello đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính khi làm ăn thua lỗ và rơi vào lao lý do các công ty đó lần lượt phá sản.

Một luật sư từng bảo vệ cho Giardiello nói rằng, ông ta là một khách hàng "khó chiều" và "không bao giờ nghe theo lời khuyên" của luật sư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục