WB, IMF kêu gọi thúc đẩy tăng trưởng đồng đều thời kỳ toàn cầu hóa

WB, IMF kêu gọi thúc đẩy tăng trưởng đồng đều thời toàn cầu hóa

Giới chức lãnh đạo WB và IMF đồng loạt kêu gọi triển khai biện pháp thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng đồng đều thời kỳ toàn cầu hóa.
Ảnh minh họa. (Nguồn: headlinedigest.com)

Ngày 6/10, giới chức lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng loạt kêu gọi triển khai những biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng đồng đều cũng như đối phó với tâm lý phản đối tự do thương mại đang gia tăng trong thời gian gần đây.

Phát biểu tại một buổi họp báo, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde khẳng định trong thời gian qua, tiến trình toàn cầu hóa đã đem lại rất nhiều lợi ích cho các quốc gia cũng như bản thân mỗi người dân, đồng thời cho rằng "giờ không phải là lúc đi ngược lại tiến trình này."

Bà viện dẫn ví dụ điển hình cho thấy những lợi ích mà toàn cầu hóa mang lại, như sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ. Theo bà Lagarde, trong những thập kỷ qua, thương mại quốc tế đã thúc đẩy tăng trưởng và giúp những quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ thoát khỏi tình trạng nghèo đói nghiêm trọng.

Bà nêu rõ: "Thương mại đã trở thành một động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu,...chúng ta cần động lực này để hỗ trợ và đẩy mạnh tăng trưởng."

Cũng tại buổi họp báo, Chủ tịch WB Jim Yong Kim đã bày tỏ quan ngại về tình trạng tăng trưởng toàn cầu chậm chạp do hậu quả của giá cả hàng hóa ngày một sụt giảm và hoạt động thương mại trì trệ.

Ông kêu gọi các nước đang phát triển cần thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại và mở cửa thị trường nhằm chấm dứt vấn nạn nghèo khổ cùng cực. Theo người đứng đầu WB, chính hai yếu tố then chốt trên đã giúp hơn 7 triệu người dân Trung Quốc thoát cảnh đói nghèo một cách nhanh chóng.

Cùng ngày, phát biểu trước cuộc họp của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G-20) tại Washington, Mỹ, Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney mặc dù cho rằng tự do thương mại đã giúp hàng trăm triệu người thoát cảnh nghèo khổ và mang lại nhiều cơ hội cho họ, song thừa nhận "vẫn còn những thách thức trong việc phân bổ những lợi ích và thành quả một cách hiệu quả."

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tâm lý chống tự do thương mại ngày càng gia tăng tại các nước phát triển. Ông nhấn mạnh các nước cần nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế, truyền thông và người dân để có thể phần nào giảm thiểu tâm lý phản đối tự do thương mại.

Mặc dù các tổ chức quốc tế và những nền kinh tế hàng đầu thế giới từ lâu đều kêu gọi việc thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, song vấn đề này đang vấp phải sự phản đối ngày càng tăng của nhiều người dân trên thế giới. Tại Mỹ, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump đã tuyên bố phản đối các thỏa thuận thương mại tự do, đưa ra những đề xuất về chính sách kinh tế có nguy cơ châm ngòi chiến tranh thương mại với Trung Quốc, cũng như áp thuế nhập khẩu đối với Mexico.

Tỷ phú này cũng tuyên bố nếu đắc cử tổng thống Mỹ, ông sẽ khiến những đề xuất trên có ngay lập tức có hiệu lực.

Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, việc người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) cũng có nguy cơ thúc đẩy các quốc gia khác quay lưng lại với việc hội nhập kinh tế châu Âu. Do đó, quá trình đàm phán các hiệp định nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại quốc tế, trong đó có Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cũng đối mặt với sự phản đối tại châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục