Web 3.0 và kỳ vọng về một cuộc cách mạng dữ liệu toàn cầu

Năm ngoái, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup trong lĩnh vực blockchain đạt 25,2 tỷ USD, tăng 713% so với mức 3,1 tỷ USD năm 2020.
Các tác phẩm kỹ thuật số được trưng bày tại hội chợ Art Dubai (UAE), ngày 10/3/2022. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Không thể phủ nhận rằng dữ liệu người dùng và các công ty Internet kiếm tiền từ những dữ liệu đó đang biến đổi nền kinh tế toàn cầu.

Như một nghiên cứu gần đây của Harvard Business Review nhận xét, thay vì thống trị các ngành đơn lẻ, các công ty chuyên về nền tảng Internet như Facebook, Google và Twitter sử dụng vị thế lớn mạnh của mình như những "người gác cổng" trong nhiều ngành công nghiệp kỹ thuật số để tổng hợp và thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng.

Bằng cách này, những "đại gia" đó đã trở thành trung gian cho việc tạo ra giá trị trong nền kinh tế kỹ thuật số và kiểm soát một phần không gian không hề nhỏ - nếu không nói là gần như toàn bộ môi trường ảo.

May mắn thay, Internet tự do chưa đến lúc lụi tàn. Ngoài những "thắt nút cổ chai" về đổi mới sáng tạo do các "đại gia" công nghệ áp đặt, nhiều công cụ mới đang xuất hiện để góp phần xây dựng cái gọi là tiêu chuẩn Web 3.0 với mục tiêu cho phép mọi người dùng quyền định đoạn dữ liệu của họ.

Web 3.0 là gì?

Nếu Web 1.0 ra mắt một tiêu chuẩn website đầu tiên cho thế giới kỹ thuật số, Web 2.0 hỗ trợ các mạng xã hội và cho phép thu thập phản hồi từ người dùng, thì Web 3.0 thể hiện sự trỗi dậy của một mạng lưới Internet thông minh và phân tán bắt nguồn từ công nghệ blockchain (chuỗi khối).

Được ông Gavin Wood (nhà đồng sáng lập blockchain Ethereum) đưa ra lần đầu tiên vào năm 2014, Web 3.0 được hình dung như một phiên bản mở và phi tập trung của Internet. Những người ủng hộ chuẩn Web 3.0 thường mô tả đây như một mạng Internet "không điểm tin cậy" - chỉ việc người dùng không cần phụ thuộc vào một số ít các công ty Internet lớn khi hoạt động hay giao dịch trực tuyến.

[Công bố cuộc thi lập trình Web 3.0 với giải thưởng hơn 100 ngàn USD]

Hầu hết các ứng dụng Internet ngày nay đều là ứng dụng tập trung - chúng do một số rất nhỏ các công ty nền tảng sở hữu và khai thác. Ví dụ: khi người dùng sử dụng dịch vụ dựa trên đám mây như công cụ xử lý văn bản trực tuyến Google Documents, họ cấp cho Google quyền truy cập vào tất cả thông tin trong tài liệu để kiếm tiền từ những thông tin đó.

Những tài liệu này do Google lưu trữ trên đám mây và công ty cũng có quyền xóa chúng nếu họ cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay tiêu chuẩn của nền tảng.

Đối với những người chỉ trích mô hình trên, Web 3.0 đại diện cho một loại hình Internet khác. Thay vì tất cả người dùng được kết nối với một mạng trung tâm hoặc "máy chủ," dữ liệu có thể được lưu trữ và quản lý cục bộ trên một hệ sinh thái dữ liệu phân tán cao.

Hiện giới chuyên gia đang đặt hy vọng vào việc các công nghệ sổ cái phân tán (DLT) và lưu trữ trên blockchain sẽ thúc đẩy một cuộc cách mạng dữ liệu trên Internet với Web 3.0.

Rất nhiều công ty khởi nghiệp non trẻ trên toàn thế giới đang nỗ lực biến Web 3.0 thành hiện thực. Một mạng Internet phân tán thực sự như vậy có thể cho phép người dùng tự quản lý và kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân của họ khi sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số thông qua blockchain công cộng.

Con đường dài phía trước

Giống như các ứng dụng phần mềm như JavaScript và HTML5 đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Facebook, Amazon, Uber, Alibaba và Tencent, các công nghệ mới và các công ty phần mềm mới có thể khiến nhiều mô hình kinh doanh tập trung trở nên lỗi thời.

Thay vì phụ thuộc vào các dịch vụ nền tảng (Web 2.0), các ứng dụng blockchain phân tán (Web 3.0) giúp các nhà cung cấp dịch vụ Internet mới tận dụng dữ liệu và phần mềm máy học (machine learning) để tái tạo hoạt động trên môi trường mạng từ cấp độ cơ sở hạ tầng.

Nhưng vẫn còn những nghi ngờ, đặc biệt khi cách truyền thông đưa tin về tài sản điện tử và không gian blockchain nhìn chung đang theo hướng tồi tệ hơn. Những lo ngại về suy thoái kinh tế và tiêu dùng cũng đang khiến các công ty công nghệ trở nên kém hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư.

Bên cạnh đó, không phải ai cũng đón nhận ý tưởng về Web 3.0. Năm 2021, nhà sáng lập Twitter, ông Jack Dorsey đã chỉ trích sự nhiệt tình xung quanh Web 3.0, đồng thời ám chỉ các công ty môi giới quyền lực thực sự trên không gian mạng là các công ty đầu tư mạo hiểm.

Các tác phẩm kỹ thuật số được trưng bày tại hội chợ Art Dubai (UAE), ngày 10/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới phân tích trong lĩnh vực công nghệ ngay sau đó đã phản hồi rằng các mô hình kinh doanh nền tảng Internet - như Twitter và Facebook - chính xác là loại mô hình kinh doanh mà các công ty Web 3.0 hiện đang tìm cách thay thế.

Dù vậy, nhiều nhà đầu tư công nghệ vẫn háo hức tài trợ cho sự đổi mới sáng tạo và nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup trong lĩnh vực blockchain đang mở rộng. Trên thực tế, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup này vào năm ngoái đạt 25,2 tỷ USD, tăng 713% so với mức 3,1 tỷ USD năm 2020.

Vẫn còn một chặng đường dài để phát triển một mạng Internet thực sự phi tập trung. Chỉ riêng các yêu cầu về kiến trúc hạ tầng cho Web 3.0 đã phức tạp hơn nhiều so với kiến trúc Web 2.0 hiện tại.

Tuy nhiên, với nguồn lực tài chính và sự thúc đẩy đổi mới sáng tạo hiện tại, giới chuyên gia hy vọng Web 3.0 sẽ sớm thành hình thực sự và tạo nên một cuộc cách mạng dữ liệu cho thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục