Báo cáo Tương lai việc làm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 17/9 ước tính đến năm 2025, khoảng 52% khối lượng việc làm sẽ do người máy (robot) đảm nhiệm, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ hiện tại.
WEF cho rằng những thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ của máy móc, các thuật toán và chương trình máy tính có thể tạo ra 133 triệu vị trí mới thay thế 75 triệu nhân công từ nay đến năm 2022. Những lĩnh vực mà WEF cho rằng robot sẽ thay thế mạnh mẽ con người gồm kế toán, quản trị khách hàng, công nghiệp, ngành bưu chính và thư ký giúp việc.
Tuy nhiên, theo WEF, những công việc đòi hỏi “kỹ năng con người” như bán hàng, tiếp thị sản phẩm (makerting), dịch vụ khách hàng, thương mại điện tử và mạng xã hội sẽ không giảm mà ngược lại sẽ ngày càng tăng lên.
[AI len lỏi mọi ngóc ngách cuộc sống, liệu có đáng lo ngại?]
Báo cáo của WEF cho rằng thách thức lớn trong tương lai chính là việc tái đào tạo cho người lao động, những người tự bản thân hiện nay đã bắt đầu có áp lực phải cải thiện các kỹ năng, đặc biệt là về “sáng tạo, tư duy logic và khả năng thuyết phục."
Các giám đốc nhân lực và giám đốc điều hành của các công ty trên toàn thế giới (chiếm khoảng 70% lượng hàng hóa toàn cầu) cho rằng từ nay đến năm 2022, những người làm trong ngành hàng không, thăm quan, du lịch sẽ cần phải được bồi dưỡng, đào tạo lại, nâng cao các kỹ năng cần thiết. Đây được xác định là xu hướng chung hướng đến mục tiêu “học tập và thay đổi suốt đời."
Tuy vậy, WEF cũng khuyến nghị chính phủ các nước cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng “hệ thống đảm bảo an toàn” cho người lao động và cộng đồng người trước nguy cơ diễn ra sự “thay đổi to lớn” về vấn đề chất lượng và mức độ lâu dài của việc làm trong tương lai./.