Ngày 22/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ quan ngại về khả năng phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của hệ thống y tế các nước châu Phi trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
Trong một cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo bộ y tế các nước châu Phi tại trụ sở của Liên minh châu Phi (AU) tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nước thành viên liên minh "cùng hợp lực để tăng cường khả năng chống đỡ với cuộc tấn công của COVID-19."
Ông nhấn mạnh quan ngại lớn nhất của WHO là nguy cơ virus COVID-19 lây lan tới các nước có hệ thống y tế yếu kém hơn.
Tổng Giám đốc Ghebreyesus nêu rõ nếu COVID-19 bắt đầu lan rộng tại châu Phi, các hệ thống y tế của châu lục sẽ phải chữa trị cho các bệnh nhân có các triệu chứng như khó thở, nhiễm trùng nặng và tổn thương đa tạng.
Những bệnh nhân này đòi hỏi phải được điều trị tích cực với sự hỗ trợ của các trang thiết bị y tế hiện đại như máy thở.... là những thứ mà nhiều cơ sở y tế tại châu Phi còn thiếu.
Và đây là một trong những lý do khiến giới chức WHO lo ngại.
Chủ tịch Hội đồng AU Moussa Faki Mahamat đã yêu cầu bộ y tế các nước triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tích cực và khẩn trương.
[WHO quan ngại về những trường hợp nhiễm COVID-19 chưa rõ nguồn bệnh]
Ông lưu ý các nguy cơ dịch bệnh mà châu Phi phải đối mặt là lớn do hệ thống y tế yếu.
Dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc đại lục từ tháng 12/2019 và đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.300 người và khiến hơn 75.500 người nhiễm bệnh tại nước này.
Ngoài Trung Quốc đại lục, trên thế giới hiện đã có hơn 1.150 người nhiễm bệnh.
Ai Cập nước duy nhất ở châu Phi ghi nhận một trường hợp nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, hiện có hơn 200 trường hợp nghi nhiễm tại khu vực AFRO của WHO, gồm chủ yếu các nước châu Phi.
Các nước Lục địa Đen đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa. Nhiều hãng hàng không như Kenya Airways đã đình chỉ đường bay tới Trung Quốc./.