Ngày 21/6, Cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Bruce Aylward cho biết hơn 50% các quốc gia nghèo nhận vaccine phòng COVID-19 thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX không được cung cấp đủ số liều vaccine để duy trì chương trình tiêm chủng.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Aylward nêu rõ, trong số 80 quốc gia nằm trong diện “cam kết thúc đẩy thị trường đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình” (AMC), ít nhất hơn 50% trong số đó hiện không có đủ vaccine để duy trì chương trình tiêm chủng của họ. Theo ông, con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Chuyên gia WHO cho biết một số nước đã hết vaccine phòng COVID-19. Sự thiếu hụt vaccine một phần là do quá trình sản xuất chậm trễ cũng như nguồn cung từ Ấn Độ bị gián đoạn. Trong khi đó, số ca nhiễm và tử vong gia tăng trên khắp châu Phi trong bối cảnh làn sóng dịch thứ ba đang hoành hành.
[Tình hình tiêm vaccine COVID-19 tại Malaysia, Hong Kong, Anh, Nga]
Cùng ngày, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO tuyên bố các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay ít hiệu quả hơn đối với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, song vaccine vẫn ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng và tử vong.
Bà Van Kerkhove nêu rõ nghiên cứu mới đây được đăng trên tạp chí The Lancet xem xét mức độ trung hòa từ các biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta cho thấy sự giảm trung hòa trên biến thể Delta. Không nhiều như biến thể Beta, vốn là biến thể được phát hiện lần đầu ở Nam Phi. Dù vậy, những loại vaccine này vẫn có hiệu quả cao bởi chúng tạo ra đủ kháng thể để bảo vệ chống lại bệnh diễn biến nặng và tử vong.
Chuyên gia của WHO cũng cho biết những đột biến trong các biến thể của SARS-CoV-2 có thể dẫn tới việc các loại vaccine trở nên kém hiệu quả. Bà Kerkhove cảnh báo sẽ có thời điểm mà những đột biến trong một biến thể sẽ khiến các loại vaccine mất tác dụng và WHO muốn đảm bảo sẽ ngăn chặn được điều này./.