Dịch sốt Ebola tại Tây Phi đang tiếp tục là mối quan ngại đặc biệt của các chuyên gia Tổ chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khi xác nhận thêm nhiều trường hợp nhiễm bệnh mới tại đây.
Theo chuyên gia kiểm soát dịch bệnh WHO Pierre Formenty, tình hình dịch bệnh đang trở nên hết sức nghiêm trọng và hiện không thể khẳng định nó trong tầm kiểm soát khi xác nhận thêm nhiều ca nhiễm mới và phạm vi lây lan dịch bệnh cũng đang lan rộng.
Cho đến thời điểm này, số trường hợp bị nghi nhiễm virus Ebola nhiều nhất là ở Guinea với 281 trường hợp nhiễm bệnh và 185 người tử vong (con số được xác thực qua phòng thí nghiệm là 160 người nhiễm và 103 tử vong).
Tại Liberia có 11 bệnh nhân tử vong nghi do Ebola, tuy nhiên, từ ngày 9/4, WHO không ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Trong khi đó, tại Sierra Leone có 16 ca nghi nhiễm bệnh, trong đó 4 người đã tử vong.
Theo số liệu thống kê của WHO, những đợt dịch bệnh Ebola gây tử vong cao nhất trong vòng 20 năm qua là đợt dịch ở Uganda năm 2000 khi xác nhận 425 người mắc bệnh và 224 trường hợp tử vong.
Tại Cộng hòa Dân chủ Congo năm 1995 cũng có 315 trường hợp nhiễm bệnh và 254 người qua đời, sau đó năm 2007, lần lượt là 264/187. Đợt dịch ở Cộng hòa Congo năm 2003 cũng khiến 128 người tử vong và 143 người mắc bệnh.
Dịch sốt Ebola là một trong những bệnh nguy hiểm nhất thế giới do có thể khiến tới 90% số người nhiễm bệnh tử vong. Có nhiều triệu chứng đi kèm với bệnh Ebola như sốt, đau đớn, khó chịu, sau đó là nôn mửa, tiêu chảy và nôn, khạc ra máu.
Đặc trưng của hội chứng do virus Ebola gây ra là sốt xuất huyết. Virus này không lan truyền qua đường không khí, tuy nhiên, nếu người mang virus khạc ra máu thì người khác hoàn toàn có thể bị lây nhiễm do dính phải virus bởi vì căn bệnh trên lây lan qua tiếp xúc với người mang mầm bệnh hoặc những đồ vật mang mầm bệnh.
Virus Ebola được phát hiện hồi năm 1976 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Kể từ đó dịch diễn ra chủ yếu tại khu vực Trung Phi.
Theo các chuyên gia, việc cách ly người bệnh với bên ngoài là cách duy nhất để chặn con đường lan truyền của virus Ebola. Hiện tại, chưa có bất cứ vắcxin và phương thức đặc hiệu nào để điều trị virus Ebola./.