WHO đặc biệt quan ngại về tình hình dịch COVID-19 tại Trung và Nam Mỹ

Tổng Giám đốc WHO cho biết trong 5 ngày qua, mỗi ngày, WHO nhận được báo cáo có hơn 100.000 ca nhiễm mới trên toàn thế giới, trong đó phần lớn tập trung tại khu vực châu Mỹ.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Breves, trên đảo Marajo, bang Para, Brazil, ngày 25/5/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Breves, trên đảo Marajo, bang Para, Brazil, ngày 25/5/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang đặc biệt quan ngại về tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Trung và Nam Mỹ khi số ca nhiễm mới tại đây tiếp tục tăng cao. 

Tại một hội nghị trực tuyến, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong 5 ngày qua, mỗi ngày, WHO nhận được báo cáo có hơn 100.000 ca nhiễm mới trên toàn thế giới, trong đó phần lớn tập trung tại khu vực châu Mỹ.

Ông đặc biệt lưu ý trước thực trạng số ca nhiễm mới tại châu lục này trong vài tuần qua còn vượt tổng số ca nhiễm mới của nhiều nước trên thế giới.

[Các nghĩa trang tại Brazil quá tải trầm trọng do dịch bệnh]

Theo ông, WHO đang nỗ lực thông qua các văn phòng chi nhánh ở khu vực và nhiều quốc gia để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ các nước ứng phó và đưa ra hướng dẫn cho từng tình hình cụ thể.

Báo cáo mới nhất của WHO cho thấy thế giới ghi nhận 6.287.771 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 379.941 ca tử vong do COVID-19. Brazil đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm (526.447 ca), sau Mỹ (1.798.330 ca).

Trong ngày 3/6, giới chức bang Bahia của Brazil đã ban bố lệnh giới nghiêm, có hiệu lực đến ngày 9/6, từ 18 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau tại 19 tỉnh thành của để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh, cung cấp dịch vụ, trung tâm giải trí đều phải đóng cửa trừ các cửa hàng bán đồ thiết yếu.

WHO đặc biệt quan ngại về tình hình dịch COVID-19 tại Trung và Nam Mỹ ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Santiago, Chile, ngày 20/5/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cùng ngày, Chính phủ Chile đã quyết định kéo dài thời gian phong tỏa thủ đô Santiago thêm 1 tuần sau khi lệnh phong tỏa kéo dài 3 tuần hết hạn.

Bộ Y tế Chile cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 5.000 ca nhiễm mới và 87 ca tử vong. Tính đến nay, số ca nhiễm và tử vong tại nước này lần lượt ở con số 113.000 ca và 1.275 ca.

Tại khu vực Mỹ Latinh, ngày 3/6, Cơ quan quản lý các sân bay của Bolivia cho biết các hãng hàng không nước này đã bắt đầu nối lại các chuyến bay nội địa sau gần 3 tháng tạm dừng để thực hiện các biện pháp cách ly xã hội.

Theo một thông báo chính thức, 7 thành phố thủ phủ của 9 khu vực đã được phép thực hiện các chuyến bay thương mại trong bối cảnh nhu cầu đi lại trong nước đang ở mức cao sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài.

Tuy nhiên, vẫn còn 2 khu vực chưa được phép nối lại các chuyến bay là Santa Cruz ở miền Đông, nơi có tới 70% số ca nhiễm trên toàn bộ lãnh thổ Bolivia và Beni ở phía Đông Bắc giáp với Brazil, nơi cũng ghi nhận khoảng 18% số ca nhiễm cho dù dân số chưa đầy 500.000 người.

WHO đặc biệt quan ngại về tình hình dịch COVID-19 tại Trung và Nam Mỹ ảnh 2Quảng trường Plaza de Armas ở La Paz, Bolivia vắng bóng người do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ngày 18/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bolivia bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 1/6 và chỉ trong hai ngày qua số ca nhiễm mới đã tăng mạnh.

Giới chức y tế Bolivia cảnh báo số ca nhiễm COVID-19 tại thủ đô La Paz hiện là 614 ca và có thể sẽ tăng gấp đôi vào cuối tuần khi mà các hoạt động kinh tế xã hội đang dần trở lại bình thường.

Các hoạt động duy nhất hiện vẫn chưa được nối lại là các sự kiện văn hóa thể thao đông người và các trường học từ cấp cơ sở đến đại học.

Chính phủ lâm thời của Tổng thống Jeanine Áñez đã quyết định giao quyền xử lý các vấn đề liên quan tới cuộc khủng hoảng dịch tễ hiện nay cho chính quyền các địa phương do thiếu trang thiết bị và cơ sở hạ tầng để ngăn chặn dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục