Ngày 15/12, cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Bruce Aylward thông báo tổ chức này đang đàm phán với hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) để sớm phân bổ vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của hãng ra toàn cầu.
Phát biểu tại họp báo, ông Aylward cho biết đã nhận được một cam kết mạnh mẽ của Giám đốc điều hành (CEO) Pfizer, Albert Bourla nhằm đề ra mức giá vắcxin hợp lý cho người nghèo.
Ông cũng kỳ vọng trong những tuần tới sẽ nhận được tin từ một số nhà sản xuất vắcxin đang tham gia vào Cơ chế Tiếp cận vắcxin phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX).
Bên cạnh đó, cố vấn Aylward cho hay WHO đang tìm kiếm các nguồn tài chính mới cho quỹ tài trợ trị giá khoảng 28 tỷ USD để chi cho các công cụ chống dịch COVID-19.
WHO và Liên minh vắcxin toàn cầu (GAVI) đang kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp cho Cơ chế ACT-Accelerator nhằm phân phối vắcxin, phương tiện điều trị và xét nghiệm công bằng tại các quốc gia, bất kể giàu nghèo.
Cơ chế này hiện đang thiếu 4,3 tỷ USD vốn hoạt động khẩn cấp và 23,9 tỷ USD trong năm 2021.
Ông Aylward nêu rõ các cơ chế tài chính mới, bao gồm các khoản vay ưu đãi và trái phiếu thảm họa đã được thảo luận trong cuộc họp của hội đồng điều phối ACT do Na Uy và Nam Phi đồng chủ trì.
Ông nhấn mạnh giờ đây tài chính là vấn đề duy nhất đang ngăn thế giới thoát khỏi đại dịch nhanh nhất có thể.
Trước đó, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Canada Karina Gould thông báo Canada đã cam kết chi 485 triệu CAD (380 triệu USD) để tài trợ cho các xét nghiệm COVID-19, công tác điều trị và phân phối vắcxin tại các nước có thu nhập vừa và thấp.
[Vắcxin COVID-19: Những thách thức về phát triển và phân phối]
Tại Mỹ, theo các tài liệu công bố ngày 15/12, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không còn mối quan ngại nào về dữ liệu liên quan đến vắcxin ngừa COVID-19 do hãng Moderna (Mỹ) bào chế, qua đó mở đường cho giới chức Mỹ nhanh chóng phê duyệt vắcxin thứ hai.
Theo FDA, vắcxin tiêm 2 liều của Moderna rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca mắc COVID-19. Cơ quan này cũng không đưa ra bất kỳ quan ngại nào về vấn đề an toàn trong việc sử dụng vắcxin đối với người trên 18 tuổi.
Mỹ đang lên kế hoạch phân phối 40 triệu liều vắcxin, đủ cho 20 triệu người, trong tháng này, bao gồm vắcxin của Moderna và vắcxin của Pfizer/BioNTech.
Trước đó, FDA đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắcxin ngừa COVID-19 do hãng Pfizer và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế.
Trong một diễn biến khác, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã quyết định sẽ nhóm họp để thảo luận về việc cấp phép cho vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer và BioNTech vào ngày 21/12 tới.
EMA cho biết sau khi nhận được dữ liệu, cơ quan này quyết định đẩy nhanh thời gian nhóm họp lên một tuần, thay vì đợi đến ngày 29/12.
Tại Tây Ban Nha, công ty dược phẩm Reig Jofre thông báo đã đạt được thỏa thuận với hãng dược phẩm Johnson & Johnson của Mỹ để sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 tại một nhà máy ở thành phố Barcelona.
Theo thỏa thuận, Reig Jofre sẽ chịu trách nhiệm về thành phần, sản xuất và đóng gói chừng nào vắcxin này được nhà chức trách phê duyệt, trong khi chi nhánh Janssen của Johnson & Johnson sẽ phụ trách phân phối.
Năm 2018, Reig Jofre đã đầu tư 30 triệu euro (36,4 triệu USD) để xây một nhà máy tại Barcelona. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động trong quý 1/2021 và sẽ tăng sẽ gấp ba công suất sản xuất hiện nay.
Vắcxin ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson đang trải qua giai đoạn thử nghiệm cuối cùng với sự tham gia của 60.000 người tại hơn 200 địa điểm ở Mỹ và các nước khác. Kết quả thử nghiệm sẽ được công bố vào cuối tháng 1/2021.
Cùng ngày, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo chính phủ đã trích ra khoảng 3 tỷ zloty (tương đương 820,59 triệu USD) cho chương trình vắcxin ngừa COVID-19 dự kiến bắt đầu vào tháng 1/2021.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski khuyến cáo người dân nên ở nhà trong dịp Giáng sinh và Năm mới để ngăn dịch bệnh lây lan. Theo ông, nếu dịch bệnh leo thang, sẽ rất khó để tổ chức tiêm phòng hiệu quả./.