WHO: Dịch COVID-19 làm gián đoạn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần

Trong số 134 nước tham gia cuộc khảo sát của WHO, chỉ có 7% các nước cho biết đã nối lại toàn bộ dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong khi 93% các nước cho biết phải cắt giảm dịch vụ này.
WHO: Dịch COVID-19 làm gián đoạn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ảnh 1Dịch COVID-19 làm gián đoạn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 5/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết dịch vụ chăm sóc người bệnh tâm thần và bệnh nhân lạm dụng chất gây nghiện đã bị gián đoạn trên toàn thế giới trong thời gian diễn ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo WHO, trong số 134 nước tham gia cuộc khảo sát của WHO, chỉ có 7% các nước cho biết đã nối lại toàn bộ dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong khi 93% các nước cho biết phải cắt giảm dịch vụ này vì nhiều rối loạn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người đứng đầu bộ phận phụ trách sức khỏe tâm thần và sử dụng chất gây nghiện của WHO, Devora Kestel nói: "Chúng tôi cho rằng đây là một khía cạnh bị lãng quên của COVID-19, trong một phần thách thức nhạy cảm mà chúng ta đang đương đầu. Đó là lĩnh vực không được cấp kinh phí đầy đủ."

[PAHO: Đại dịch COVID-19 gây ra khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở châu Mỹ]

Bà Kestel cho biết chỉ có 17% các nước đảm bảo việc cấp kinh phí bổ sung để thực thi các hoạt động hỗ trợ nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần trong thời gian diễn ra đại dịch.

Theo bà Kestel, số người mắc bệnh tâm thần, thần kinh và lạm dụng chất gây nghiện ước tính sẽ gia tăng và các nước cần chú ý tới mảng chăm sóc sức khỏe này.

Tuy nhiên, WHO không có dữ liệu về hậu quả đe dọa đến tính mạng do dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần bị gián đoạn, như dữ liệu về tỷ lệ tự tử cao hơn và phụ thuộc vào thuốc an thần không thể kiểm soát có thể dẫn tới tình trạng sử dụng quá liều.

Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước có thu nhập thấp, đã duy trì dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở các bệnh viện đa khoa vốn vẫn hoạt động trong thời kỳ dịch COVID-19.

Thế nhưng, nhiều bệnh nhân lại đối mặt với các thách thức khác, mà một trong số đó là các biện pháp hạn chế đi lại được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Bà Kestel cho biết các biện pháp hạn chế đi lại được cho là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng gián đoạn đối với 73% nước có thu nhập thấp và cũng ảnh hưởng đến các bệnh nhân ngoại trú ở các nước có thu nhập cao và trung bình.

Tuy nhiên, nhiều nước giàu có hơn áp dụng phương thức khám chữa bệnh từ xa và sử dụng công nghệ để theo dõi sức khỏe của các bệnh nhân tâm thần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục