WHO họp khẩn với các nước Tây Phi nhằm đối phó dịch Ebola

WHO triệu tập phiên họp khẩn cấp 2 ngày tại thủ đô Accra của Ghana với 11 vị bộ trưởng y tế từ các nước Tây Phi, nhằm lên kế hoạch "hành động quyết liệt" đối phó với dịch Ebola đang lan rộng.
Các bác sỹ MSF làm việc tại khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm dịch sốt Ebola ở Conakry, Guinea ngày 25/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, ngày 2/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập phiên họp khẩn cấp kéo dài hai ngày tại thủ đô Accra của Ghana với 11 vị bộ trưởng y tế từ các nước Tây Phi, nhằm lên kế hoạch "hành động quyết liệt" đối phó với dịch Ebola đang lan rộng tại khu vực này.

WHO cho biết tính đến ngày 1/7, đã có 759 trường hợp được xác định nhiễm bệnh hoặc đang bị nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết do nhiễm khuẩn Ebola, tập trung ở Guinea, Liberia và Sierra Leone, trong đó 467 người đã tử vong.

Với 303 ca tử vong, Guinea hiện là quốc gia bị tổn thất nặng nề nhất, tiếp đến là Sierra Leone và Liberia lần lượt với 99 và 65 trường hợp. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số ca nhiễm mới lại đang tăng nhanh ở Liberia và Sierra Leone.

Các chuyên gia WHO cho rằng đợt bùng phát hiện nay là thách thức lớn nhất kể từ khi phát hiện loại virus nguy hiểm này vào năm 1976 ở khu vực hiện nay là Cộng hòa Dân chủ Congo, bởi nó diễn ra trên phạm vi rộng nhất và gây thiệt hại nặng nề nhất.

Các chuyên gia cũng cảnh báo nếu không ngăn chặn kịp thời, dịch bệnh có thể lan sang nhiều nước khác trong khu vực.

Khuẩn Ebola, được đặt tên theo một con sông nhỏ ở Cộng hòa Dân chủ Congo, gây sốt xuất huyết ở bệnh nhân với tỷ lệ tử vong cao mà cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc trị hay loại vắcxin phòng ngừa nào.

Bệnh nhân nhiễm Ebola do tiếp xúc với máu và dịch thể của một số loài động vật, chủ yếu là khỉ và một loài dơi lớn thuộc họ Megachiroptera. Người nhiễm khuẩn Ebola có thể truyền bệnh cho người khỏe mạnh qua đường tình dục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục