WHO khuyến khích Indonesia trở thành trung tâm vaccine ở Đông Nam Á

Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước Indonesia ngày 24/2 cho biết WHO đã chỉ định Indonesia là một trong những nước thụ hưởng việc chuyển giao công nghệ bào chế vaccine dựa trên mRNA.
WHO khuyến khích Indonesia trở thành trung tâm vaccine ở Đông Nam Á ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến khích Indonesia trở thành trung tâm sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại Đông Nam Á.

Trong phát biểu ngày 24/2, Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước Indonesia Erick Thohir cho biết WHO đã chỉ định Indonesia là một trong những nước thụ hưởng việc chuyển giao công nghệ bào chế vaccine dựa trên mRNA.

Theo kế hoạch, công ty quốc doanh PT Bio Farma (Persero) của Indonesia là đơn vị được giao sản xuất vaccine mRNA. Bio Farma hiện là nhà sản xuất vacicne lớn nhất Đông Nam Á, với 14 loại vaccine đã được xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia.

Hiện Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã cho phép các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế của nước này tham gia mua sắm vaccine ngừa COVID-19.

[WHO lập trung tâm tập huấn sản xuất vaccine và sản phẩm y tế toàn cầu]

Trang thông tin chính thức của Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 24/2 đã đăng thông báo về quy chế sửa đổi của Tổng thống liên quan sự tham gia của các pháp nhân thương mại trong việc mua sắm vaccine ngừa COVID-19. Các quy định chi tiết về quy trình mua sắm vaccine sẽ do Bộ Y tế Indonesia phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất.

Trước khi bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai tại Indonesia, chính phủ nước này phải chi trả toàn bộ kinh phí cho vaccine ngừa COVID-19 để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng. Nhiều doanh nghiệp nước này đã hỗ trợ chính phủ trong Chương trình tiêm chủng Hợp tác lẫn nhau (GR).

Tuy nhiên, các tổ chức kinh doanh chỉ có thể cung cấp số lượng vaccine hạn chế và ưu tiên cho nhân viên cơ sở y tế và kinh doanh của mình trước tiên.

Thụy Sĩ tặng 15 triệu mũi vaccine cho cơ chế COVAX

Trong khi đó, chính phủ Thụy Sĩ ngày 23/2 thông báo sẽ cung cấp tối đa 15 triệu mũi vaccine COVID-19 cho sáng kiến COVAX - một dự án đa phương nhằm giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng trong công tác phân phối vaccine.

Tỷ lệ tiêm chủng ở Thụy Sĩ hiện là hơn 70% dân số. Quốc gia 8,7 triệu dân này vẫn còn 34 triệu liều vaccine dự trữ cho năm 2022 - một con số quá cao, ngay cả trong trường hợp triển khai thêm một chiến dịch tiêm tăng cường nữa.

Hồi tháng 6/2021, Thụy Sĩ cũng đã ủng hộ 4 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca cho sáng kiến COVAX.

Chính phủ nước này đang có kế hoạch mua các loại thuốc mới nhằm mục đích bảo vệ những người đặc biệt dễ bị tổn thương với COVID-19, ví dụ như những người bị suy giảm miễn dịch hay mắc bệnh nền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục