Ngày 25/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tăng cường vận động thể chất, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Trong hướng dẫn cập nhật về hoạt động thể chất, WHO cho biết tập thể dục có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, giúp ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2 và ung thư, đồng thời giảm các triệu chứng trầm cảm và lo lắng, cải thiện trí nhớ.
WHO khuyến nghị người trưởng thành dành ít nhất từ 2 tiếng rưỡi đến 5 tiếng đồng hồ mỗi tuần để tập luyện thể thao cường độ vừa phải hoặc mạnh. Đối với trẻ em và trẻ vị thành niên, mức độ vận động tối thiểu mà cơ quan y tế của Liên hợp quốc đưa ra là một giờ mỗi ngày.
Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể về tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động rèn luyện thể chất. Tuy nhiên, rõ ràng việc nhiều nước áp đặt lệnh phong tỏa, hạn chế ra ngoài và đóng cửa các phòng tập gym đã ảnh hưởng đến thói quen tập thể dục của nhiều người.
[Chuyên gia WHO sẽ đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19]
Thực tế này được nhìn nhận là rất đáng lo ngại, bởi ngay cả trước khi bùng phát dịch COVID-19, các số liệu thống kê cho thấy phần lớn thanh thiếu niên và nhiều người trưởng thành không vận động đủ theo khuyến nghị, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Theo thống kê của WHO, 80% số thanh thiếu niên và 25% số người trưởng thành trên toàn cầu không đáp ứng các khuyến nghị về vận động thể chất.
WHO cảnh báo việc ngồi nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến thế giới tổn thất thêm 54 tỷ USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc sức khỏe và 14 tỷ USD mỗi năm do giảm năng suất lao động.
Tuy nhiên, cơ quan này cho biết vận động thể chất dưới bất kỳ hình thức nào cũng có thể giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực của việc ngồi nhiều. Theo WHO, riêng việc rời khỏi ghế sofa để vận động và đi lại nhiều hơn cũng có thể giúp ngăn chặn 5 triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm./.