Ngày 28/1, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở châu Âu Hans Kluge nhấn mạnh cảnh báo tỷ lệ lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở khu vực này vẫn còn quá cao khiến các cơ sở y tế bị quá tải nghiêm trọng. Do đó, vẫn còn quá sớm để các nước nới lỏng phong tỏa và những biện pháp hạn chế.
Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, ông Kluge hấn mạnhi: "Chúng ta cần phải kiên nhẫn, sẽ mất thời gian để thực hiện tiêm chủng... Chúng ta đã có những bài học đắt giá về mở và đóng cửa. Việc mở cửa (xã hội) trở lại một cách nhanh chóng là một chiến lược tồi."
Trong khi đó, nhiều nước châu Âu cũng đã đẩy mạnh thực hiện các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh. Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas cho biết, chính phủ nước này đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa một phần hiện nay đến ngày 1/3 tới nhằm kiểm soát bệnh dịch.
Lệnh phong tỏa hiện nay tại Hungary có hiệu lực từ đầu tháng 11/2020 và sẽ hết hạn vào ngày 1/2 tới, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm và đóng cửa các cơ sở kinh doanh. Theo ông Gulyas, chính phủ cũng sẽ đề nghị Quốc hội gia hạn thêm 90 ngày đối với khả năng ra quyết định khẩn cấp của chính phủ.
Ông Gulyas khẳng định Hungary chỉ có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế khi số ca bệnh giảm mạnh hoặc nhiều người được chủng ngừa. Mặc dù vậy, ông Gulyas cho biết lượng vắcxin ngừa COVID-19 phân phối thông qua Liên minh châu Âu (EU) dành cho Hungary sẽ không thể đủ để tiêm chủng quy mô lớn. Hungary sẽ nhận được lô vắcxin Sputnik V do Nga sản xuất vào cuối tháng 2 tới.
[Các nước EU lo ngại về vấn đề nguồn cung vắcxin ngừa COVID-19]
Tại Anh, giới chức nước này sẽ xem xét lại danh sách các quốc gia phải áp dụng biện pháp cách ly sau khi nhập cảnh. Trước đó, nước này đã ban hành các biện pháp hạn chế mới nhằm giảm hoạt động đi lại, với hy vọng rằng việc thắt chặt kiểm soát biên giới có thể giúp giảm nguy cơ lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2, tránh ảnh hưởng đến chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19.
Bộ Nội vụ Đức cho biết nước này đang cân nhắc khả năng áp đặt hạn chế đối với những người đến từ Anh, Brazil và Nam Phi do lo ngại sự lây lan các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở những quốc gia này.
Tại Bồ Đào Nha, Thủ tướng Antonio Costa khẳng định nước này đang trong giai đoạn "khủng khiếp" và tình trạng này có thể kéo dài vài tuần trước khi có thể được cải thiện. Ông Costa cho rằng tình hình dịch bệnh tại nước này trở nên xấu đi một phần là do chính phủ đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế trong dịp Giáng sinh và Năm mới vừa qua, cùng với khả năng lây lan mạnh của biến thể mới phát hiện tại Anh./.