World Cup 2018: Khi bóng đá đưa các dân tộc xích lại gần nhau

Dường như mỗi khi Vòng chung kết World Cup diễn ra, người ta lại thấy các dân tộc xích lại gần nhau hơn, đặc biệt là các nước có ngôn ngữ chung, nền văn hóa tương đồng như ở Mỹ Latinh.
World Cup 2018: Khi bóng đá đưa các dân tộc xích lại gần nhau ảnh 1Cổ động viên của đội tuyển Colombia cổ vũ cho đội nhà trong trận đấu với Nhật Bản ở bảng H World Cup 2018 diễn ra tại Saransk, Nga ngày 19/6. (Nguồn: THX/TTXVN)

Bóng đá thực sự là ngày hội lớn đối với người hâm mộ ở khắp nơi trên Trái Đất này, đặc biệt là các kỳ World Cup 4 năm mới có một lần. Dường như mỗi khi Vòng chung kết World Cup diễn ra, người ta lại thấy các dân tộc xích lại gần nhau hơn, đặc biệt là các nước có ngôn ngữ chung, nền văn hóa tương đồng như ở Mỹ Latinh.

Nhìn lên khán đài trong các trận đấu ở World Cup, nếu bạn nhìn thấy một nhóm các cổ động viên Colombia ủng hộ cho đội tuyển Panama hay một nhóm khác người Mexico lại cổ vũ cho Brazil thì cũng không có gì là lạ bởi đó là sự thật. Vì tình yêu bóng đá, các nước Mỹ Latinh có thể gạt sang một bên những khác biệt để ủng hộ lẫn nhau. Đó là văn hóa, là sự cuồng nhiệt mà họ dành cho môn "thể thao Vua."

Cổ vũ cho một đội bóng ở nước khác có thể khiến người châu Âu ngạc nhiên nhưng với những người Mỹ Latinh thì khát vọng được nhìn thấy các đội bóng ở khu vực chơi tốt luôn vượt lên trên những sự đối đầu nội bộ.

[Người hâm mộ Mexico chi hơn 4 tỷ USD cho đam mê bóng đá]

Anh Wilson Castillo, một người El Salvador có vợ là người Peru chia sẻ: “Tôi là người Trung Mỹ nhưng lại khoác một chiếc áo đấu ủng hộ đội tuyển Peru. Nếu các cầu thủ Peru không tiến được xa thì tôi sẽ ủng hộ cho một đội bóng Mỹ Latinh khác và cứ như vậy.”

Còn vợ của cổ động viên này, chị Jannys Castillo thì cho biết: “Chúng tôi luôn ủng hộ các đội bóng ở khu vực vì tất cả chúng tôi đều là người Mỹ Latinh và chúng tôi luôn đoàn kết với nhau.”

Ở tất cả những địa điểm tổ chức các trận đấu World Cup trên đất nước Nga trong những ngày lễ hội bóng đá này, người ta có thể bắt gặp những nhóm người đến từ Mexico, Peru, Brazil, Uruguay hay Colombia cũng nhau ca hát, hò hét cổ vũ cho các đội bóng của họ trên đường phố. Họ cùng nhau hô vang những khẩu hiệu, những bài hát cổ vũ các đội bóng bằng một ngôn ngữ chung là tiếng Tây Ban Nha.

Anh Carlos Garizao, một cổ động viên Colombia đã có mặt ở Nga cùng với gia đình để cổ vũ cho đội nhà nói: "Ưu tiên của tôi là đội tuyển Colombia nhưng tôi cũng sẽ ủng hộ cho các đội bóng Mỹ Latinh khác, trong đó Brazil sẽ là ưu tiên số 1. Họ là hàng xóm của chúng tôi."

Các cổ động viên Mỹ Latinh vốn nổi tiếng là những người yêu bóng đá vô điều kiện. Họ sẵn sàng sắp xếp công việc, gia đình, tiết kiệm tiền để có mặt tận nơi cổ vũ cho các đội bóng của mình mỗi khi World Cup diễn ra. Theo số liệu thống kê chính thức trước khi trái bóng tròn lăn trên các sân cỏ nước Nga, trong nhóm 10 nước có cổ động viên mua nhiều vé xem các trận bóng World Cup nhất thì có tới 5 nước Mỹ Latinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

[Infographics] Những sự kiện bóng đá lớn sau World Cup 2018

Những sự kiện bóng đá lớn sau World Cup 2018

Sau khi World Cup 2018 khép lại, thế giới bóng đá sẽ lại chuẩn bị guồng quay mới với các giải đấu hàng đầu, bao gồm World Cup bóng đá nữ 2019, EURO 2020 và World Cup 2022.
[Infographics] Nhìn lại lịch sử của chiếc Cup vàng World Cup

Nhìn lại lịch sử của chiếc Cup vàng World Cup

Chiếc Cúp vàng World Cup hiện tại được sử dụng từ năm 1974, do Silvio Gazzaniga thiết kế, không được trao vĩnh viễn cho đội bóng nào mà thuộc sở hữu của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA).