WTO kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ cung cấp vaccine cho các nước nghèo

Tổng Giám đốc WTO hy vọng sẽ có nhiều thông tin rõ ràng hơn về chặng đường phía trước liên quan vấn đề miễn trừ bản quyền vaccine COVID-19 vào tháng 7 để đẩy nhanh cung cấp vaccine cho các nước nghèo.
Nhân viên LHQ kiểm tra lô vaccine ngừa COVID-19 theo cơ chế COVAX được chuyển tới Tunis, Tunisia, ngày 16/5/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên LHQ kiểm tra lô vaccine ngừa COVID-19 theo cơ chế COVAX được chuyển tới Tunis, Tunisia, ngày 16/5/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala ngày 12/6 tuyên bố có một lộ trình để đạt được thỏa thuận toàn cầu nhằm cung cấp thêm nhiều vaccine phòng COVID-19 cho các nước đang phát triển, bất chấp sự bất đồng liên quan tới vấn đề quyền sở hữu trí tuệ của các công ty dược phẩm.

Phát biểu với phóng viên trước khi tham gia các cuộc thảo luận với lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Tổng Giám đốc WTO bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều thông tin rõ ràng hơn về chặng đường phía trước liên quan tới vấn đề từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vào tháng Bảy.

Bà Okonjo-Iweala nêu rõ: "Điều này có thể khó khăn do một số quan điểm có thể khác khác biệt, song có một lộ trình. Tôi rất mong muốn thấy được tiến triển trước tháng Bảy."

Ngày 9/6, các nước thành viên WTO nhất trí khởi động đàm phán chính thức về kế hoạch thúc đẩy cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho các nước đang phát triển, song quan điểm khác biệt gây khó khăn cho các cuộc đàm phán.

[Canada cam kết chia sẻ 100 triệu liều vaccine với nước thu nhập thấp]

Nam Phi và Ấn Độ, được sự ủng hộ của nhiều nước mới nổi, muốn tạm gác quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và các phương pháp điều trị COVID-19 để các nhà sản xuất địa phương được sản xuất vaccine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố ủng hộ việc từ bỏ bản quyền vaccine ngừa COVID. Tuy nhiên, các nước phát triển khác, trong đó có nhiều nước có công ty dược phẩm lớn, cho rằng động thái này sẽ không thúc đẩy sản xuất và có thể ảnh hưởng tới hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Người đứng đầu WTO bày tỏ hy vọng đàm phán sẽ giúp đạt được thỏa thuận thiết thực, có lợi cho các nước đang phát triển cũng như bảo vệ hoạt động nghiên cứu và sáng tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục