WTO thảo luận về xóa bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine ngừa COVID-19

Tháng 10/2020, Ấn Độ và Nam Phi bắt đầu thúc đẩy WTO miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ với xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine COVID-19 để đảm bảo việc tiếp cận công bằng hơn tại các nước nghèo.
WTO thảo luận về xóa bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine ngừa COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Southfield, Michigan, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong nỗ lực đóng góp nhiều hơn cho cuộc chiến chống đại dịch, ngày 13/6, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tiến hành các cuộc thảo luận nhằm đạt được sự đồng thuận trong việc gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19.

Đây là sáng kiến chống đại dịch chính đang được thảo luận tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO (MC12) ở Geneva (Thụy Sĩ).

Tuy nhiên, sáng kiến này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ một số quốc gia có đặt các công ty dược phẩm lớn như Anh và Thụy Sĩ, từ đó gây trở ngại cho việc thông qua tại WTO, bởi các quyết định của tổ chức này dựa trên sự đồng thuận chứ không phải theo đa số.

Các công ty dược phẩm lớn trên thế giới cho rằng việc xóa bỏ các bằng sáng chế sẽ làm tê liệt hoạt động đầu tư và đổi mới, đồng thời nhận định kế hoạch này đã lỗi thời vì thế giới hiện đang dư thừa vaccine.

Phát biểu trước báo giới sau khi kết thúc phiên họp ngày 13/6, người phát ngôn của WTO Daniel Pruzin đã bày tỏ lạc quan  một cách thận trọng về việc đạt được kết quả tại hội nghị.

Theo ông, các cuộc thảo luận vẫn cần tập trung vào việc thiết lập tiêu chuẩn để chọn ra các quốc gia đủ điều kiện được miễn quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài vấn đề sản xuất, nội dung thứ hai trong hội nghị là giải quyết hạn chế về nguồn cung khi chỉ có một số nước nhất định nắm giữ công cụ chống dịch.

Ông Pruzin cho biết các bên đang tiến gần hơn tới đạt được nhất trí về nội dung, song vẫn còn nhiều vấn đề trong các cuộc thảo luận. 

Trong khi đó, Đại sứ Thụy Sĩ Markus Schlagenhof khẳng định dù không giải quyết hoàn toàn vấn đề, song việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ là một phần của giải pháp.

Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Anne-Marie Trevelyan tin rằng thách thức hiện nay là đạt được giải pháp khả thi cho việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ mà vẫn hỗ trợ doanh nghiệp và đem lại lợi ích cho chính phủ.

Một số nhóm quan tâm nhận định nội dung dự thảo không đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay, do hạn chế về thời gian và làm phức tạp hóa thêm việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine, trong khi bỏ qua các phương pháp điều trị và chẩn đoán COVID-19.

[WTO để ngỏ khả năng bỏ quyền sở hữu trí tuệ của vaccine COVID-19]

Tháng 10/2020, Ấn Độ và Nam Phi đã bắt đầu thúc đẩy WTO miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine ngừa COVID-19 để đảm bảo việc tiếp cận công bằng hơn tại các nước nghèo.

Sau nhiều vòng đàm phán, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và Nam Phi đạt được thỏa thuận cho phép phần lớn các nước đang phát triển sản xuất vaccine ngừa COVID-19 mà không cần sự đồng ý của bên sở hữu bản quyền.

Hội nghị MC12 đã khai mạc tại trụ sở của WTO ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 12/6. Hội nghị cấp bộ trưởng, với sự tham dự của các bộ trưởng thương mại và quan chức cấp cao khác từ 164 thành viên của WTO, là cơ quan ra quyết định cao nhất của tổ chức này.

Hội nghị thường diễn ra hai năm một lần. Tuy nhiên, MC12 đã bị hoãn hai lần do dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục