Vụ xả súng nghiêm trọng vừa qua tại Đông Bắc Thái Lan sẽ không phải là vụ bạo lực cuối cùng và đã đến lúc xã hội Thái Lan phải suy nghĩ lại về việc sở hữu súng và vấn đề lạm dụng ma túy.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Krisanaphong Poothakool, Trợ lý Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm Khoa Tội phạm học và Hành chính tư pháp tại Đại học Rangsit, đưa ra nhận định trên khi đề cập đến vụ tấn công vào một nhà trẻ ở tỉnh Nong Bua Lam Phu chiều 6/10 khiến 38 người thiệt mạng, trong đó có 24 trẻ em.
Trả lời phỏng vấn trên trang Thai PBS World, Tiến sỹ Krisanaphong nói rằng đây là vụ giết người hàng loạt lớn thứ 2 ở Thái Lan, sau vụ ở tỉnh Nakhon Ratchasima vào ngày 8/2/2020 khiến 31 người thiệt mạng, trong đó thủ phạm là 1 quân nhân.
Điểm chung giữa 2 thủ phạm là đều ở trong lực lượng vũ trang và được đào tạo bài bản về cách sử dụng súng. Sự khác biệt giữa 2 người là ở vụ mới nhất, thủ phạm Panya Khamrab đã bị sa thải khỏi ngành cảnh sát vì nghiện ma túy.
[Tiếng kêu khóc xé lòng từ hiện trường vụ xả súng ở Thái Lan]
Theo báo chí Thái Lan, Panya đã sử dụng chất gây nghiện từ khi còn đang học ở trường trung học. Tiến sỹ Krisanaphong cho rằng ảnh hưởng của ma túy và tình trạng căng thẳng sau khi bị sa thải khỏi ngành cảnh sát có thể là nguyên nhân khiến đối tượng không kiểm soát được hành vi và gây tội ác. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng trường hợp này sẽ phải được nghiên cứu và điều tra để xác định nguyên nhân thực sự khiến đến đối tượng có thể sát hại cả trẻ em.
Liên quan việc tàng trữ súng, Tiến sỹ Krisanaphong cho rằng những người có nhu cầu mua súng trong tương lai có thể phải khám sức khỏe tâm thần và kiểm tra lý lịch tư pháp trước khi được cấp phép. Ông cũng khuyến nghị các biện pháp kiểm soát đối với việc mua đạn dược.
Trong khi đó, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, Tướng Damrongsak Kittipraphat nói rằng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã rút ra bài học sâu sắc từ vụ việc và cam kết sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề nghiện ma túy trong lực lượng./.