Xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Sài Gòn

Xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt ở thượng nguồn sông Sài Gòn

Cơ quan chức năng Bình Phước đã tiến hành điều tra xác định nguyên nhân của hiện tượng cá chết hàng loạt trên đoạn sông Sài Gòn chảy qua địa phận huyện Hớn Quản.
Ngư dân vớt xác cá chết trên thượng nguồn sông Sài Gòn. (Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN)

Liên quan đến hiện tượng cá chết trên đoạn sông Sài Gòn chảy qua địa phận huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước cho biết đã tiến hành điều tra để xác định nguyên nhân.

Kết quả điều tra của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Bình Phước) cho thấy: Hiện tượng cá chết được ngư dân ở khu vực sông Sài Gòn phát hiện vào khoảng 4 giờ ngày 6/7/2016. Vị trí cá chết chủ yếu ở đoạn sông Sài Gòn chạy qua địa phận ấp 4, xã Minh Tâm và ấp Bàu Lùng, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản (Bình Phước). Các loài cá bị chết chủ yếu là cá trắng, cá dảnh, cá mè, cá rô phi và một số lượng nhỏ cá lăng; ước khối lượng cá chết khoảng 2 tấn.

Sông Sài Gòn bắt nguồn từ khu vực huyện Lộc Ninh (biên giới Việt Nam-Campuchia), tỉnh Bình Phước chạy qua địa phận xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản với chiều dài khoảng 7 km. Cơ quan chức năng đã trực tiếp làm việc với một số hộ dân làm nghề đánh bắt cá trên đoạn sông này. Theo các hộ dân, căn cứ vào biểu hiện cá chết, họ cho rằng có thể cá bị bị ngộ độc thuốc đơn hồng tính. Còn tại đoạn sông Sài Gòn chảy qua địa phận ấp Bàu Lùng, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, một số hộ dân ở đoạn sông này cho biết họ phát hiện cá chết có biểu hiện bị sình bụng, trôi về từ hướng thượng nguồn sông Sài Gòn.

Cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước đã tiến hành xác định các nguồn nước thải ra sông Sài Gòn.

Tại khu vực cuối nguồn cá chết, cách khoảng 5 km theo hướng thượng nguồn sông Sài Gòn có 5 công ty nằm cạnh suối Ru có khả năng thải ra sông Sài Gòn. 5 công ty gồm: Công ty Cổ phần Việt Sinh, sản xuất, chế biến mủ cao su; Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại sản xuất Wusons, sản xuất, chế biến tinh bột mì; Công ty JAPFA COMFEED Long An (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn Di truyền giống JAPFA HYPOR), ngành nghề chăn nuôi heo; Công ty trách nhiệm hữu hạn chăn nuôi Tân Tiến Phát, ngành nghề chăn nuôi heo; Công ty trách nhiệm hữu hạn Nông sản Việt Phước, ngành nghề chăn nuôi heo. Trong 5 công ty trên, Công ty trách nhiệm hữu hạn chăn nuôi Tân Tiến Phát và Công ty trách nhiệm hữu hạn Di truyền giống JAPFA HYPOY xả thải vào suối Ru sau đó thải vào sông Sài Gòn; Công ty trách nhiệm hữu hạn Nông sản Việt Phước xả thải trực tiếp ra sông Sài Gòn; 2 công ty còn lại nước thải chưa xả ra môi trường.

Về nguyên nhân cá chết được nhận định ban đầu là: Đối với nguồn xả thải từ các trang trại chăn nuôi heo thì vị trí xả nước thải của các trang trại chăn nuôi heo đều nằm dưới vị trí phát hiện cá chết trên sông Sài Gòn theo hướng xuôi dòng sông Sài Gòn. Trong khi các ngư dân lại phát hiện cá chết hàng loạt trôi từ hướng thượng nguồn sông Sài Gòn chảy về nên khả năng cá chết do nước thải chăn nuôi heo xả ra sông Sài Gòn là rất khó xảy ra.

Đối với các nguồn xả thải từ nhà máy chế biến mủ cao su, tinh bột m​ỳ, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại sản xuất Wusons đang tạm ngưng sản xuất chế biến tinh bột mì từ tháng 5/2016 để chờ mùa vụ sản xuất mới và Công ty Cổ phần Việt Sinh được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cho phép tuần hoàn 100% nước thải sản xuất sau xử lý để tái sử dụng, hiện đang lưu trữ trong hồ chứa có lót chống thấm nên chưa xả thải ra môi trường.

Từ những cơ sở trên, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bình Phước nhận định nguyên nhân cá chết hàng loạt xảy ra vào ngày 6/7 có khả năng do bị thuốc cá từ hướng thượng nguồn sông Sài Gòn trôi về hướng hạ nguồn sông Sài Gòn.

Nhằm làm rõ thêm về nguyên nhân dẫn đến cá chết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước đã lấy 1 mẫu nước thải tại điểm xả thải ra sông Sài Gòn của trang trại chăn nuôi heo thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Nông sản Việt Phước và 5 mẫu nước mặt sông Sài Gòn đoạn từ cầu Sài Gòn I, xã Minh Tâm đến ngã ba sông Tràm. Sau khi có kết quả phân tích, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước sẽ đánh giá chất lượng nước thải và nước mặt của sông Sài Gòn. Từ kết quả phân tích mới đánh giá được nguồn nước có bị ô nhiễm đến mức làm cá chết hay không - ông Võ Văn Dinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Phước cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục