Xác định nguyên nhân xuất hiện vệt nước đỏ tại vùng biển Kỳ Anh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức khẳng định những vệt nước đỏ xuất hiện tại Hà Tĩnh trong mấy ngày vừa qua là hiện tượng tảo nở hoa, còn gọi là thủy triều đỏ.

Chiều 12/4, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức khẳng định những vệt nước đỏ xuất hiện tại Hà Tĩnh trong mấy ngày vừa qua là hiện tượng tảo nở hoa, còn gọi là thủy triều đỏ.

Ngày 10/4, một số ngư dân ở làng Đông Yên, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh phát hiện nhiều vệt nước đỏ trong khu vực đánh bắt thủy sản. Từ những vệt nước đỏ nhỏ rải rác, sau xuất hiện nhiều hơn. Các vệt nước này tập trung dạt vào bờ biển thị xã Kỳ Anh vào ngày 11/4.

Sau khi nhận được thông tin, Tổng cục Môi trường đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, Viện Khoa học Môi trường lấy mẫu nước phân tích, đánh giá.

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức cho biết thêm hiện tượng này đã xuất hiện giống như trường hợp đầu tháng 3/2017 mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố. Đó là hiện tượng nước biển xuất hiện dải màu đỏ tại khu vực cảng Vũng Áng ở thị xã Hà Tĩnh và cảng Sơn Dương của Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng nghiệp Formosa (Công ty Formosa).

Trong các mẫu nước biển thu được, chính sự bùng phát số lượng của tảo Noctiluca scintillans với mật độ đạt trên 100.000 tế bào/lít đã gây nên hiện tượng thủy triều đỏ, trong phạm vi sát bờ của khu vực vào thời điểm quan trắc.

Từ trước đến nay, hiện tượng bùng phát mật độ tảo Noctiluca scintillans gây hiện tượng thủy triều đỏ đã được ghi nhận tại một số vùng ven biển Việt Nam, đặc biệt là vùng biển miền Trung.

Trước đó, (từ ngày 3-5/4), Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường dẫn đầu, cùng các nhà khoa học phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh đã làm việc với Công ty Formosa về công tác khắc phục sự cố môi trường biển.

Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra Trạm xử lý nước thải sinh hóa. Đây là hạng mục kiểm tra đầu tiên của Đoàn công tác bởi nước thải ở đây có chứa phenol và xyanua, là độc tố gây cá chết; kiểm tra chuỗi hồ sinh học. Đây là công trình yêu cầu bổ sung trong trường hợp xảy ra sự cố, hồ sẽ là nơi chứa nước thải để xử lý lại cho đến khi đạt yêu cầu.

Với diện tích 10ha, chuỗi hồ sinh học sẽ chứa được lượng nước thải trong vòng 7 ngày, đồng thời chuỗi hồ sinh học cũng sẽ là nơi thả cá để kiểm chứng chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường.

Một trong những nội dung để xem xét việc cho phép vận hành lò cao số 1, Đoàn công tác đã kiểm tra hạng mục lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải, bởi khi lò cao đi vào hoạt động sẽ phát sinh khí thải với tổng cộng 15 ống khói. Việc vận hành lò cao số 1 không phát sinh nước thải có chất độc mà chỉ phát sinh nước thải từ hệ thống làm mát. Sau khi có kết quả, Đoàn sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến về việc cho phép Công ty Formosa vận hành lò cao số 1.

Theo báo cáo của đại diện Formosa, đến nay, Công ty này đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm theo Biên bản kết luận của Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương. Còn lại một hạng mục từ dập cốc ướt sang dập cốc khô theo lộ trình sẽ hoàn thành vào năm 2019.

Công ty Formosa đã và đang thực hiện các biện pháp cải thiện các công trình xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn. Cụ thể là bổ sung hệ thống xử lý nước thải khu vực dập cốc ướt; bổ sung hệ thống xử lý nước mưa chảy tràn tại bãi chứa phế liệu, bãi chứa quặng, than; bổ sung các hạng mục cải thiện đối với hệ thống xử lý nước thải sinh hóa, sinh hoạt và công nghiệp; lắp đặt bổ sung hệ thống quan trắc tự động nước thải tại xưởng xử lý nước thải sinh hóa, xưởng xử lý nước thải sinh hoạt; lắp đặt bổ sung hệ thống quan trắc tự động 11 ống khói còn lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục