Với mức điểm Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay, điểm chuẩn đại học sẽ giảm từ 1 đến 3 điểm. Đó là nhận định của nhiều lãnh đạo các trường đại học về điểm chuẩn trong đợt xét tuyển đại học năm nay, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi trung học phổ thông quốc gia.
Điểm chuẩn sẽ giảm ở tất cả các khối thi?
Nhận định về điểm chuẩn đại học năm nay, lãnh đạo các trường đại học cho rằng điểm chuẩn sẽ giảm từ 1 đến 3 điểm, tùy theo từng ngành và từng trường.
Có hai lý do để điểm chuẩn giảm. Thứ nhất là do điểm thi giảm. Thứ hai là theo Quy chế thi mới, điểm ưu tiên khu vực năm 2018 giảm 50% so với năm 2017, từ mức chênh lệch giữa các khu vực là 1 điểm xuống còn 0,5 điểm. Trong khi đó, tổng số thí sinh đăng ký tham gia xét tuyển vào các trường đại học năm nay chỉ tăng nhẹ (tăng 0,7%) so với năm 2017, tổng chỉ tiêu tăng cao hơn, ở mức 1,2%.
“Với tương quan ba yếu tố tổng số thí sinh đăng ký, tổng chỉ tiêu và điểm thi như trên, điểm chuẩn vào các trường đại học giảm là điều chắc chắn,” Phó giáo sư Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải nhận định.
[Tra cứu điểm thi Trung học phổ thông quốc gia 2018]
Cũng theo ông Chương, năm nay, Trường Đại học Giao thông vận tải tuyển sinh khối A, D7 và A1, với cùng một mức điểm chuẩn cho từng ngành. Điểm chuẩn dự kiến sẽ giảm từ 1 đến 2 điểm, tùy từng ngành. Các ngành có nhu cầu lớn, thí sính đăng ký nhiều như Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Điện tử viễn thông, điểm chuẩn thường cao hơn các ngành khác, mức giảm sẽ ít hơn, khoảng một điểm.
Các ngành khác điểm thấp hơn, mức điểm chuẩn có thể giảm từ 1 đến 1,5 điểm.
Điểm chuẩn giảm từ 1-2 điểm là nhận định của Phó giáo sư Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông, người từng có hàng chục năm kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh.
“Công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, điểm thi năm nay giảm đều ở tất cả các môn so với năm ngoái, nên việc giảm điểm chuẩn sẽ diễn ra ở tất cả các tổ hợp xét tuyển,” ông Lập nhận định.
Cũng theo Phó giáo sư Lê Hữu Lập, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển vào Học viện Bưu chính Viễn thông tương đương năm 2017. Trường tuyển sinh khối A, A1 và D với cùng một điểm chuẩn cho tất cả các khối, theo từng ngành đào tạo. Dự kiến mức điểm chuẩn sẽ từ một đến hai điểm, tùy ngành đào tạo. Các ngành có số lượng thi lớn thì mức giảm ít hơn.
Với trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, một trường luôn có số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển lớn nhất cả nước, Phó giáo sư Đoàn Văn Bổng, Hiệu phó đào tạo của trường cũng cho rằng nhìn vào điểm thi có thể thấy điểm chuẩn năm nay sẽ giảm từ 1-2 điểm.
“Hiện các trường mới có số liệu tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình. Sắp tới, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển dữ liệu đăng ký của thí sinh theo từng ngành thì bức tranh tuyển sinh sẽ rõ hơn,” ông Bổng nói.
[Bộ Giáo dục công bố phổ điểm các môn thi THPT quốc gia 2018]
Trưởng Phòng Quản lý Giáo dục, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Bùi Đức Triệu thì dự đoán điểm chuẩn sẽ giảm khoảng từ một đến ba điểm, tùy theo từng ngành.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trần Văn Tớp cho hay, nhà trường đang xem xét các tổ hợp xét tuyển của trường, tập trung ở khối A0 và A1.
“Theo phân tích sơ bộ, số thí sinh có mức điểm 24-25 điểm trở lên giảm khá nhanh so với số thí sinh 18-19 điểm. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng của trường. Chắc chắn, ngưỡng xét tuyển sẽ giảm và điểm trúng tuyển cũng sẽ giảm,” ông Tớp nói.
Cũng theo phó giáo sư Trần Văn Tớp, dự kiến, trước ngày 14/7, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ hoàn thành việc tính toán và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của từng nhóm ngành.
Điểm chuẩn giảm, chất lượng thí sinh không giảm
Điểm thi giảm, điểm chuẩn dự kiến giảm, nhưng theo Trưởng Phòng Quản lý Giáo dục, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Bùi Đức Triệu, điều đó không có nghĩa là chất lượng thí sinh năm nay kém hơn năm trước.
“Vì nói một cách đơn giản là năm nay đề có tính phân hóa cao hơn nên điểm thi cũng thấp hơn là chuyện bình thường,” ông Triệu nói.
Thậm chí theo ông Triệu, với mức điểm của năm nay, việc đánh giá chất lượng giữa các nhóm thí sinh sẽ chính xác hơn.
“Ví dụ với điểm thi năm 2017, giữa điểm 8 và điểm 10, chúng ta khó phân biệt em nào giỏi hơn, hoặc hai em đạt điểm 10 nhưng trên thực tế học lực có thể chênh lệch nhau. Việc có quá nhiều thí sinh điểm cao khiến các trường khó phân biệt được chất lượng chính xác.”
[Phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia theo các khối thi đại học truyền thống]
“Nhưng với đề thi như năm nay thì em nào giỏi thực thì em đó được 10. Chất lượng đầu vào của 18 điểm và 20 điểm là khác nhau. Năm nay, thí sinh đạt điểm 8-9 có thể tương với điểm 10 của năm trước. Hơn nữa, điểm làm tròn đến hai số thập phân nên việc phân loại lại càng chi tiết. Cá nhân tôi đánh giá tích cực về kết quả điểm thi năm nay,” ông Triệu chia sẻ.
Cũng theo ông Triệu, tuy điểm thi không cao, điểm khá giỏi không nhiều nhưng phổ điểm vẫn tập trung vào ngưỡng 5 đến 6 điểm nên sẽ không khó khăn cho các trường trong việc xét tuyển, kể cả những trường tốp dưới.
“Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không còn đặt ngưỡng xét tuyển đầu vào mà để các trường tự xác định. Tuy nhiên, tôi nghĩ các trường sẽ rất cân nhắc nếu muốn lấy điểm chuẩn quá thấp, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín của trường,” ông Triệu nói./.