Theo quy định, chỉ còn 4 ngày nữa, bắt đầu từ 1/8, các trường đại học, cao đẳng sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng một của thí sinh. Đăng ký tuyển vào ngành nào, trường nào đang là câu hỏi khó nhất của các sỹ tử trong thời điểm này.
Đắn đo tổ hợp điểm thi
Khác với mọi năm, thí sinh dự tuyển đại học nhiều nhất là theo hai khối thi thì năm nay, với việc có thể tham dự tối đa đến 8 môn thi, mỗi thí sinh có rất nhiều lựa chọn trong xác lập tổ hợp ba môn thi để đăng ký xét tuyển đại học.
Thi trung học phổ thông với 6 môn gồm Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn, Hóa, Lý và Sinh học, dự kiến ban đầu của thí sinh Phạm Thị Hằng (Kiến Xương, Thái Bình) là đăng ký xét tuyển vào Đại học Y Thái Bình.
Tuy nhiên, khối B (ba môn Toán, Sinh, Hóa) em được 23 điểm trong khi điểm theo khối A (tổng ba môn Toán, Lý, Hóa) của Hằng lại cao hơn, đạt 25 điểm.
“Nếu như các năm trước, em dự thi theo hai khối khác nhau và sẽ có hai giấy báo điểm để đăng ký hai nguyện vọng vào hai trường. Nhưng năm nay do thi một kỳ thi nên sẽ chỉ có một phiếu báo điểm, chỉ được đăng ký vào một trường. Em không biết mình nên đăng ký theo điểm khối B hay khối A,” Hằng chia sẻ.
Hằng cho biết, với 23 điểm khối B, em không tự tin sẽ đỗ vào Đại học Y Thái Bình. Nhưng 25 điểm thì nên đăng ký vào trường nào cũng là câu hỏi không dễ trả lời. “Nếu đăng ký trường thấp thì thấy phí, còn đăng ký vào trường cao lại sợ trượt vì điểm thi đại học năm nay cao hơn năm ngoái. Em thấy rất hoang mang, chưa kể đến việc nên chọn ngành nào,” Hằng lo lắng nói.
Không biết nên đăng ký nguyện vọng một theo tổ hợp môn nào cũng là băn khoăn của thí sinh Trần Văn Phong (Tiền Hải, Thái Bình).
Dự định xét tuyển đại học theo khối A nhưng tổng điểm Toán, Lý, Hóa của Phong chỉ đạt 15 điểm. Với mức điểm này Phong cho rằng em rất khó có cơ hội đỗ.
Ba môn em cao điểm nhất là Toán, Văn, Địa với tổng số 17 điểm. “Em đang nghĩ đến chọn trường nào có xét tuyển theo tổ hợp ba môn này. Tuy nhiên, vì đây là tổ hợp hoàn toàn mới nên số trường này rất ít. Chưa kể theo quy định, tổng số thí sinh xét tuyển theo tổ hợp môn mới chỉ được chiếm tối đa 25% chỉ tiêu. Vì thế, em nghĩ cơ hội của mình rất mong manh,” Phong buồn rầu nói.
Chọn trường, ngành học nào?
Không chỉ chọn tổ hợp môn thi, chọn ngành học nào cũng là điều các sỹ tử phải nâng lên đặt xuống.
Thí sinh Trần Hồng Ngân (Ba Đình, Hà Nội) dự kiến đăng ký xét tuyển đại học theo khối D. Với 24 điểm, Ngân cho biết em đang đắn đo giữa đăng ký vào khoa Toán-Anh, khoa Sư phạm Anh của Đại học Sư phạm Hà Nội, hoặc dự tuyển vào Đại học Hà Nội.
Không chỉ thí sinh mà câu hỏi này cũng khiến các phụ huynh đau đầu, nhất là khi không cùng quan điểm với con.
Thí sinh Phạm Thị Hằng cho biết, em đang muốn đăng ký theo khối A vào ngành marketting, trong khi cả gia đình vẫn mong muốn em theo học ngành y. “Dù đã cố gắng thuyết phục bố mẹ nhưng em vẫn chưa nhận được sự đồng thuận từ gia đình,” Hằng chia sẻ.
Trong khi đó, thí sinh Lê Phương Thảo (Việt Trì, Phú Thọ) lại băn khoăn về việc nên nộp hồ sơ đăng ký thời điểm nào cho “chắc ăn” nhất.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sẽ phải cập nhật thông tin thí sinh đăng ký ba ngày một lần. Trong thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển nguyện vọng một, từ ngày 1 đến 20/8, thí sinh được quyền rút hồ sơ từ trường này để đăng ký sang trường khác.
“Em ở xa, không thể đi rút hồ sơ nhiều lần nên em dự định sẽ canh thông tin của các trường để lựa tình hình và gần cuối đợt mới đăng ký xét tuyển. Nhưng nhìn các bạn chuẩn bị hồ sơ em cũng rất sốt ruột,” Thảo nói./.