Xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm

Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm ảnh 1Cảnh sát áp giải Huỳnh Thị Huyền Như sau phiên tòa sơ thẩm tháng 1/2014. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 15/12, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản do có kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng như kháng cáo của các bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Hội đồng xét xử đã dành cả buổi sáng 15/12 cho phần thủ tục, xác minh căn cước của các bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tại phiên phúc thẩm có 34 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong phần thủ tục, một số luật sư “bức xúc” việc không được bộ phận an ninh cho mang đồ dùng, túi cặp đựng tài liệu vào phòng xử để tác nghiệp.

Đáng lưu ý, 19 nhân viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) liên quan đến việc ủy thác tiền gửi đã không có mặt, thay vào đó ủy quyền cho 1 nhân viên tham gia phiên tòa.

Luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn Luật sư Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị cấp phúc thẩm triệu tập thêm nguyên các lãnh đạo của Ngân hàng ACB, trong đó có Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá; lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) có liên quan đến vụ án.

Luật sư Lưu Văn Tám cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của Luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn luật sư Hà Nội, là người được Vietinbank ủy quyền tham gia phiên tòa.

Theo Luật sư Lưu Văn Tám, việc Luật sư Nguyễn Tiến Hùng nhận ủy quyền của Vietinbank đã vi phạm Điều 9 - Luật Luật sư, vi phạm nguyên tắc đạo đức luật sư vì giai đoạn sơ thẩm, luật sư Hùng cung cấp dịch vụ khách hàng cho bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như nhưng đến cấp phúc thẩm lại cung cấp dịch vụ cho Vietinbank, dẫn đến sự mâu thuẫn quyền lợi trong cùng một vụ án hình sự.

Trên cơ sở đó, Luật sư Lưu Văn Tám đề nghị Tòa bác tư cách tham gia tố tụng của Luật sư Nguyễn Tiến Hùng. Một số luật sư khác đã đề nghị cấp phúc thẩm triệu tập thêm các cá nhân, tổ chức có nhận tiền của Huỳnh Thị Huyền Như.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Thị Bắc, Đoàn Luật sư Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử cho phép luật sư sử dụng các tài liệu có liên quan đến vụ án Huyền Như trong vụ án Nguyễn Đức Kiên để bào chữa cho thân chủ của mình.

Ngày 27/1/2014, xét xử sơ thẩm, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978, quê Tiền Giang), nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh mức án chung thân về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.”22 bị cáo còn lại nhận các mức án từ 1 năm-20 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, cấp sơ thẩm tuyên buộc riêng Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường 2.185 tỉ đồng đã chiếm đoạt trái pháp luật, ngoài ra bị cáo còn phải liên đới với một số bị cáo khác bồi thường hơn 1.708 tỷ đồng cho các bị hại.

Tòa cũng tuyên buộc Ngân hàng Vietinbank chuyển trả lại hơn 24 tỷ đồng trong 19 tài khoản tại Vietinbank cho Ngân hàng ACB. Để đảm bảo thi hành án, đối với riêng Huỳnh Thị Huyền Như, cấp sơ thẩm đã kê biên tiền, tài sản của bị cáo gồm 82 tỷ đồng, 3 xe ôtô (hiệu Honda, Lexus, Toyota ) cũng 12 bất động sản khác (án phí sơ thẩm mà Huyền Như phải đóng lên gần 2,3 tỷ đồng).

Cùng với đó, cấp sơ thẩm đã kiến nghị Bộ Công an điều tra làm rõ và xử lý về hành vi thiếu trách nhiệm của Nguyễn Thị Minh Hương và Trương Minh Hoàng là các Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã ký các hợp đồng tiền gửi với Ngân hàng ACB.

Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hủy bỏ quy định ủy thác đầu tư vốn đối với các tổ chức, cá nhân vì dễ biến tướng thành đầu tư trá hình, rủi ro cao, không bảo toàn vốn, gây lũng đoạn thị trường tài chính tiền tệ.

Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2001, ngoài công việc ở Vietinbank, Huỳnh Thị Huyền Như còn tham gia kinh doanh bất động sản, phải vay mượn tiền từ bạn bè, người quen và các ngân hàng; đến năm 2008 số nợ lên đến 200 tỷ đồng.

Để trả nợ, Huỳnh Thị Huyền Như đã đi vay số tiền lớn, lãi suất cao nhưng cũng không giải quyết được. Vì thế, bị cáo nghĩ đến việc vay tiền của các công ty hoặc các công ty là “sân sau” của một số ngân hàng, núp dưới hình thức huy động vốn hoặc ủy thác đầu tư vốn.

Để chiếm đoạt được tiền của các đơn vị, ngân hàng, cá nhân mà không bị phát hiện, Huỳnh Thị Huyền Như đã lợi dụng danh nghĩa Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và Chi nhánh Nhà Bè; yêu cầu các đơn vị, cá nhân mở tài khoản thanh toán của họ tại hai chi nhánh này.

Nhằm tạo niềm tin cho các đơn vị, cá nhân ký hợp đồng để chuyển tiền, Như đã làm giả con dấu, chữ ký của các lãnh đạo của Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè; sau đó lập các hợp đồng đầu tư vốn, hợp đồng tiền gửi để họ chuyển tiền vào tài khoản đã được mở tại Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và Chi nhánh Nhà Bè.

Từ đây, Như tiếp tục làm giả con dấu của nhiều công ty để rút và chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của ba ngân hàng, chín công ty và ba cá nhân..

Dự kiến phiên phúc thẩm sẽ kéo dài đến hết ngày 31/12./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục