Xét xử vụ án tại Ngân hàng Xây dựng: Ông Trần Bắc Hà vắng mặt

Chỉ khoảng hơn 100 người được triệu tập tới phiên tòa sơ thẩm vụ án kinh tế tại Ngân hàng Xây dựng giai đoạn 2 và ông Trần Bắc Hà vẫn vắng mặt với lý do đang chữa bệnh tại Singapore.
Xét xử vụ án tại Ngân hàng Xây dựng: Ông Trần Bắc Hà vắng mặt ảnh 1Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa ngày 17/1. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ngày 24/7, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở lại phiên tòa sơ thẩm vụ án kinh tế tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) giai đoạn 2 đối với bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín - Sacombank) và 44 đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước và quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng."

Trước đó vào tháng 1/2018, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 1, sau đó đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Đến ngày 20/6, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao bổ sung tài liệu và chuyển hồ sơ vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 qua tòa án và khẳng định kết quả điều tra bổ sung không làm phát sinh, thay đổi nội dung vụ án đã nêu theo cáo trạng năm 2017.

Tại phiên tòa hôm nay (24/7), có 45 bị cáo ra hầu tòa, một bị cáo vắng mặt do đang nhập viện điều trị.

Hội đồng xét xử đã triệu tập hơn 200 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng, trong đó có ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV).

Tuy nhiên, chỉ khoảng hơn 100 người được triệu tập tới phiên tòa và ông Trần Bắc Hà vẫn vắng mặt với lý do đang chữa bệnh tại Singapore. Ông Hà nhập cảnh vào Singapore ngày 15/7, làm phẫu thuật gan ngày 19/7 và hiện đang điều trị tại đó. Ông Hà xin vắng mặt và giữ nguyên lời khai trước đó với Cơ quan điều tra.

Vụ án có gần 70 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự; trong đó, bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh có 6 luật sư, 2 luật sư bào chữa cho bị cáo Trầm Bê. Ngoài ra, đại diện ủy quyền tham dự phiên tòa của các ngân hàng liên quan đều có mặt.

Theo cáo trạng, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh cần tiền để sử dụng nhưng không thể vay trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân để lập 29 hồ sơ khống đứng tên vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV để sử dụng mục đích cá nhân.

[Xét xử vụ án Phạm Công Danh: Tòa trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung]

Những sai phạm này của Phạm Công Danh và các đồng phạm khiến VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tính cả giai đoạn 1 của vụ án, Phạm Công Danh và đồng phạm đã khiến VNCB thiệt hại hơn 15.000 tỷ đồng

Phiên tòa do Thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ tọa. Chủ tọa phiên tòa đã thông báo Hội đồng xét xử sẽ xét hỏi tiếp những vấn đề mới chưa làm rõ tại phiên xử sơ thẩm lần trước.

Theo chương trình, phiên tòa xét xử đến ngày 15/8./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục