Phong tục xin và cho chữ đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong những ngày đầu Xuân. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển chứa đựng trong đó những ước vọng về một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và bình an.
Đã từ rất lâu, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân sang, trên khắp phố phường và khắp mọi miền quê, nhiều ông đồ hay chữ, bày nghiên bút, giấy bản nhuộm điều, niềm nở đón người qua đường ghé xuống xin con chữ.
Người cho chữ là ông đồ túc nho và người xin chữ thường là những chủ nhà cầu mong những tin mừng cùng những vận hội mới trong cuộc đời và đặc biệt là những nhà có người theo học, mong được con chữ của Thánh hiền, giáng ứng cho may mắn trong học hành thi cử.
Khi xin được câu đối hay con chữ linh thiêng như ý, đem về nhà treo vào nơi trang trọng nhất, linh ứng nhất, dễ ngắm nhìn, để cầu nguyện thành đạt cho cuộc sống và cho học hành thi cử.
Từ xa xưa, thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày đầu năm mới của người Việt được coi là điều thiêng liêng, một việc quan trọng của gia đình. Điều đó đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam từ nhiều thế kỷ, ngày càng được nối tiếp, thừa kế và gìn giữ.
Ngày xưa khi xin chữ là một sự kiện rất đặc biệt, người ta chọn ngày, chọn hướng, tìm đến người mình tin tưởng, có đời sống đáng trân trọng noi theo. Người cho chữ phải là người dày công học hành, có thể chính là những ông đồ dạy học ở những làng quê hoặc phải là những người “có danh với núi sông."
Theo nhà thư pháp Cung Khắc Lược, xin chữ đầu năm chính là mong muốn của người xin chữ cho cả một năm mới mang đến những điều may mắn, bình an và phúc thọ tràn đầy. Mỗi bức thư pháp khi hoàn thành bao giờ cũng có hai con người đồng cảm, đó là bộ óc, trí tuệ của người cho chữ gặp trái tim, tâm hồn người xin chữ.
Những ước vọng tốt đẹp cho một năm mới hạnh phúc, bình an được lồng trong những nét mực uyển chuyển. Ngoài cầu may mắn, người ta còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ và lấy chữ để răn mình. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Chữ Nho có thể viết theo nhiều cách, nên người cho chữ tùy tâm trạng, tùy hoa tay có thể tạo ra những hình tượng lạ mắt. Mỗi chữ hiện ra dưới tay các thầy đồ không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp mà còn bộc lộ tấm lòng, tính cách, tâm hồn và cả sự sáng tạo của mỗi cá nhân.
Chữ thường được viết trên nền giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm của người phương Đông còn duy trì tới ngày nay, màu đỏ là màu của sự sống và sự tái sinh, là biểu tượng của sự may mắn, nên trong ngày Tết mọi thứ đều có màu đỏ: hoa đào, câu đối, phong bao mừng tuổi... đều có màu đỏ.
Người thành đạt xin chữ “Nhẫn Nại” để cầu tỉnh táo. Người trung niên xin chữ “Tâm,” chữ “Đức,” chữ “Nhẫn.”
Thanh niên nam nữ xin chữ: “Danh,” “Duyên,” “Hiếu,” “Trung...” Tặng bố mẹ xin chữ: “Tâm,” “An Khang,” “Bình An...”
Có người đầu năm xin chữ “Thọ” để mừng các cụ cao tuổi. Các bạn trẻ thường xin chữ “Trí tuệ,” “Chí,” “Minh,” “Thành," “Tài,” “Đạt,” “Nhẫn,” “Đăng Khoa” để cầu học hành tấn tới.
“Chí” nghĩa là phải có ý chí quyết vượt mọi khó khăn; “Thành” có nghĩa là nên việc; “Đạt” là thỏa mãn yêu cầu; “Đắc” là được, “Nhẫn” là kiên trì nhẫn nại trong mọi việc. Còn các cháu thiếu nhi thì thường được bố mẹ chọn cho các chữ “Học,” “Hiếu,”“Lễ,” “Nghĩa,” “Tiến...” mong con mình lớn lên từ những điều kỳ vọng của bố mẹ trở thành những người con hiếu thảo của gia đình, một công dân có ích cho xã hội…
Những lời cầu chúc như: “Chúc mừng năm mới,” “Mã đáo thành công,”“Phúc lộc song hoàn,”“An khang thịnh vượng,” “Tân niên hạnh phúc,” “Ngũ phúc lâm môn...” là sự gửi gắm mơ ước, tiêu chí, là một món ăn tinh thần với mục đích rất chính đáng trong cuộc sống con người, gia đình và xã hội.
Mấy năm trở lại đây, phố ông đồ bên cạnh Văn Miếu có thể coi là một “đặc sản” của Tết Hà Nội. Bên vẻ trầm mặc, u hoài của trường Giám ngày xưa đang lắng đọng rêu phong, thì “hồn dân tộc lại sáng bừng trên giấy điệp” trong những nét thư pháp tài hoa của những “ông đồ” trẻ tuổi, 7X và 8X. Ngoài các ông đồ già áo the khăn xếp là các ông đồ trẻ bụi bặm với quần jeans áo thun hay lịch lãm trong các bộ vest...
Và không chỉ có ở Quốc Tử Giám, Hà Nội, những “Phố ông Đồ” còn lan tỏa ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, ở các tụ điểm lễ hội vui xuân hay các đình, đền, chùa, miếu...
Đặc biệt, cứ vào dịp từ ngày 20 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng hằng năm, Hội chữ Xuân thường được tổ chức ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) - điểm đến quen thuộc của hàng nghìn người từ khắp mọi miền đất nước đến xin chữ lấy may đầu năm.
Hội chữ Xuân được tổ chức định kỳ còn nhằm mục đích tạo ra một sân chơi lành mạnh giúp các Thư pháp gia (Hán-Nôm và Quốc ngữ) có điều kiện trổ tài, sáng tác và người dân đi xin chữ có thể yên tâm, hân hoan mang về gia đình những bức thư pháp đúng, đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành.
Hội chữ Xuân là một sự kiện văn hóa thường niên nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học của dân tộc, hội chữ cũng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam. Những câu đối, câu chúc bằng mực tàu trên giấy đỏ là những món quà tinh thần để đón chào năm mới, biểu thị cho những ước vọng đầu Xuân./.