Xu hướng ''vũ khí hóa'' các hiệp định thương mại tự do

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) có khả năng ngày càng được sử dụng như vũ khí kinh tế trong Chiến tranh Lạnh mới đang dần nổi lên.
Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại cảng ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo bài viết trên báo Business Today (Malaysia), vốn được coi là phương tiện để tìm kiếm lợi thế nhằm mang lại lợi ích chung, các hiệp định thương mại tự do (FTA) có khả năng ngày càng được sử dụng như vũ khí kinh tế trong Chiến tranh Lạnh mới đang dần nổi lên.

Xoay trục sang châu Á

Tháng 11/2009, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định: “Trong một thế giới gắn kết, quyền lực không cần phải là trò chơi có tổng bằng không... Mỹ không tìm cách kiềm chế Trung Quốc.”

Tuy nhiên, ông Obama đã sớm thay đổi hướng đi với chiến lược “Xoay trục sang châu Á,” được công bố lần đầu tiên vào tháng 11/2011.

Sau khi ông tái đắc cử vào năm 2012, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã trở thành trung tâm kinh tế trong chiến lược mới của Mỹ nhằm kiềm chế tốc độ tăng trưởng và công nghệ của Trung Quốc.

[15 nước thành viên EU kêu gọi thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do]

Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) dưới thời ông Obama tuyên bố TPP dựa trên các nguyên tắc mà Mỹ ủng hộ như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IP) và nhân quyền.

Trong khi tuyên bố tất cả các bên chấp nhận các nguyên tắc này đều sẽ được hoan nghênh tham gia, Trung Quốc rõ ràng không nằm trong số các quốc gia đàm phán TPP.

Đối với Mỹ, sự cạnh tranh mới này với Trung Quốc liên quan đến sự tăng cường các liên minh của Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Tháng 10/2011, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn Hiệp định FTA Mỹ-Hàn Quốc (KORUS).

Với việc ngăn chặn kinh tế và quân sự của Trung Quốc là trọng tâm trong chiến lược an ninh của Mỹ, TPP đã được ký kết năm 2015.

Tổng thống Obama nhấn mạnh: “TPP cho phép Mỹ - mà không phải các nước như Trung Quốc - viết ra các quy tắc dẫn đường trong thế kỷ 21."

Việc tạo ra “câu lạc bộ gồm tất cả ngoại trừ Trung Quốc” là động cơ của Mỹ để thành lập TPP.

Tuy nhiên, với cảm tình của công chúng đã thay đổi kể từ nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, giờ đây Tổng thống Joe Biden, từng là Phó Tổng thống dưới thời chính quyền của Obama, đã không cố gắng khôi phục TPP trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình.

Các liên minh an ninh

Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ đang bị thách thức bởi cuộc cạnh tranh kinh tế diễn ra trong một bối cảnh chiến lược rộng lớn hơn... Mỹ phải làm việc với các đồng minh và đối tác cùng chí hướng để đảm bảo các nguyên tắc (của Mỹ) được áp dụng và các quy tắc được thực thi để nền kinh tế (của Mỹ) thịnh vượng.”

Nhóm Đối thoại an ninh Bộ tứ (Quad) về hợp tác hàng hải gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản - được khởi xướng sau thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 - đã trở thành thỏa thuận an ninh chống Trung Quốc.

Đến năm 2020, các nhà lãnh đạo của cả 4 nước đã gắn kết hơn trong mối quan tâm về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tháng 11/2020, hải quân của cả 4 nước đã tham gia cuộc tập trận chung đầu tiên trong hơn một thập kỷ.

Trong khi đó, dưới thời cựu Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã thay đổi hoàn toàn chính sách an ninh.

Ông Abe đã mở rộng đáng kể vai trò, sứ mệnh và khả năng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong và ngoài liên minh Mỹ-Nhật, đặc biệt tại Đông Á.

Hợp tác quốc phòng cũng được tăng cường thông qua các thỏa thuận giữa các quốc gia như Thỏa thuận tiếp cận đối ứng Nhật Bản-Australia cũng như Thỏa thuận mua lại và cung ứng chéo Nhật Bản-Ấn Độ.

Hồ sơ an ninh của Mỹ trong khu vực đã được tăng cường trong liên minh Australia-Anh-Mỹ (AUKUS).

Ý định rõ ràng của Mỹ là tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ và các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với trọng tâm lớn nhất là Trung Quốc trong tất cả các thỏa thuận an ninh khu vực.

Bá chủ thế giới

Mỹ cũng đang liên kết thương mại với chiến lược an ninh quốc gia, đặc biệt nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc, tại châu Phi và Mỹ Latinh. USTR từng nhấn mạnh: “Chính quyền của ông Biden đang tiến hành đánh giá toàn diện về chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc như một phần trong sự phát triển của chiến lược Trung Quốc tổng thể của Mỹ.”

Văn phòng của USTR cũng cho rằng: "Giải quyết thách thức mang tên Trung Quốc sẽ đòi hỏi một chiến lược toàn diện và cách tiếp cận có hệ thống hơn so với cách tiếp cận từng phần trước đây."

Nói về Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời, ông Biden nhấn mạnh: “Mỹ phải đổi mới những lợi thế lâu dài (của Mỹ)...; hiện đại hóa khả năng quân sự...; hồi sinh mạng lưới liên minh cũng như quan hệ đối tác chưa từng có của Mỹ... Cạnh tranh ngày càng gia tăng với Trung Quốc, Nga... đang định hình lại mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta."

Ông Biden khẳng định chính quyền của ông “sẽ đảm bảo rằng các quy tắc của nền kinh tế quốc tế không nghiêng về phía Mỹ. Mỹ sẽ thực thi các quy tắc thương mại hiện có và tạo ra những quy tắc mới... Chương trình nghị sự này sẽ củng cố những lợi thế lâu dài (của Mỹ) và cho phép Mỹ giành ưu thế trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.”

Chính quyền của ông Biden đã thông báo xem xét lại tất cả các cuộc đàm phán thương mại dưới thời Tổng thống Trump.

Tháng 4/2021, Ngoại trưởng Antony Blinken xác nhận các cuộc đàm phán FTA giữa Mỹ và Kenya sẽ được nối lại.

Các nhà quan sát tin rằng FTA này, do ông Trump khởi xướng năm 2020, sẽ giúp mở rộng các chính sách an ninh và thương mại "củ cà rốt và cây gậy" của Mỹ ở châu Phi để chống lại Trung Quốc.

Tại “sân sau học thuyết Monroe” của Mỹ, 6 FTA của Mỹ đã có sự tham gia của 12 quốc gia Mỹ Latinh và Caribe.

Ngày 8/6 vừa qua, ông Biden đã công bố quan hệ đối tác kinh tế khu vực mới để chống lại Trung Quốc.

Bài phát biểu của ông tại khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ bị chỉ trích vì bỏ sót các quốc gia được coi là thân thiện với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Quan hệ Đối tác châu Mỹ vì Thịnh vượng Kinh tế của ông Biden vẫn được coi là đang trong quá trình triển khai.

Không đưa ra mức miễn giảm thuế quan tiêu chuẩn của các FTA, Mỹ dự đoán trước mắt sẽ tập trung vào “các đối tác cùng chí hướng.”

Mặc dù ông Biden ca ngợi "cách tiếp cận mới mang tính đột phá và tích hợp" nhưng các câu trả lời cho thấy "ảnh hưởng của Mỹ đang suy yếu."

Giờ đây, 5 năm sau khi ông Trump rút khỏi TPP, ông Biden đã hồi sinh chiến lược đối trọng với Trung Quốc bằng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tổng thống Biden đã lặp lại phát biểu của ông Obama về TPP rằng "Mỹ đang viết ra các quy tắc mới"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục